Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Cam kết mạnh mẽ, khơi dậy niềm tin, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 06:32 - Chia sẻ
Ngày mai, 5.12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trước thềm Diễn đàn, đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế kỳ vọng, đây sẽ là diễn đàn cởi mở, đa chiều, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng cho các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tham mưu để Quốc hội đưa ra những quyết sách đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Việc các cơ quan của Quốc hội triển khai chủ trương tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên thể hiện cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong nỗ lực đồng hành với đất nước, khơi dậy niềm tin để vững vàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ảnh: N.An

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu: Cởi mở, đa chiều, chuyên sâu

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19, "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững" có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu trong nước và nhiều tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế. Vì vậy, đây sẽ là diễn đàn cởi mở, đa chiều, chuyên sâu để các bên đối thoại, tham vấn, tham mưu cho Quốc hội trong hoạch định chính sách, nhằm xây dựng chương trình, chiến lược tổng thể về phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp và tác động sâu rộng của đại dịch, việc xây dựng chương trình, chiến lược tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, quan trọng, nhưng cũng rất khó vì những thách thức phát sinh trong bối cảnh đại dịch là chưa từng có tiền lệ, không chỉ với riêng nước ta mà với cả các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, diễn đàn là dịp để các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, đóng góp sáng kiến, giải pháp nhằm xây dựng được một chương trình phục hồi tốt nhất, phù hợp nhất với bối cảnh thực tiễn và điều kiện của đất nước.

Với ý nghĩa và quy mô như vậy, thì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 không dừng ở một diễn đàn chuyên môn về kinh tế - xã hội thông thường. Đây sẽ là cơ chế tham vấn thường niên của các cơ quan của Quốc hội, nhằm giúp Quốc hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn nhất, sát thực tiễn nhất, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân. Diễn đàn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong nỗ lực đồng hành với đất nước, khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp, vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn do đại dịch gây ra.

Theo chương trình, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, các đại biểu sẽ thảo luận 2 chuyên đề, trong đó có chuyên đề về “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”. Thời gian qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được đưa ra, nhưng các chính sách chủ yếu mang tính chất tức thời, ngắn hạn. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi cần có một chiến lược tổng thể, các chính sách đồng bộ cùng sự phối hợp linh hoạt, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm tạo nguồn lực cho ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch. Chính vì lẽ đó, Ban Tổ chức đã chọn “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” là một trong hai chuyên đề sẽ được thảo luận tại Diễn đàn lần này. 

Diễn đàn cũng sẽ tổng kết, đánh giá các chính sách về phòng, chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được ban hành thời gian qua. Từ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các chính sách phục hồi kinh tế - xã hội để rút ra bài học kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển cho giai đoạn tới. Một trong những yếu tố cần đặc biệt quan tâm, đó là nâng cao năng lực “hấp thụ” chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của các đối tượng tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực của chương trình một cách hiệu quả, kịp thời, đúng mục tiêu đề ra.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, rất nhiều chính sách tốt đã được ban hành nhưng việc triển khai chưa tạo thuận lợi, chưa kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng do các chính sách đi kèm nhiều điều kiện không hợp lý, nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Đây là bài học kinh nghiệm cần rút ra trong thiết kế Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc phải xác định đúng nhu cầu, đúng đối tượng thì các điều kiện, thủ tục kèm theo cần bảo đảm vừa đủ, thông thoáng để không tạo rào cản đối với người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách. Sự thông thoáng của chính sách không đồng nghĩa với "vô điều kiện" kèm theo nhưng các điều kiện đặt ra cần vừa đủ, “không quá mức cần thiết”, phải phù hợp để đạt mục tiêu của chính sách.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung: Kỳ vọng vào sáng kiến thúc đẩy cải cách thể chế cho chuyển đổi số

"Phục hồi và phát triển bền vững" là mối quan tâm hàng đầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh đời sống, cản trở sự phát triển. Vì vậy, việc Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững" rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Bên cạnh những kết quả đạt được trong duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế và chỉ số lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận Nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Chính phủ đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khả năng phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch phụ thuộc vào các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, còn việc đẩy nhanh phát triển kinh tế trên đà phục hồi trong thời gian tới phụ thuộc vào cải cách thể chế.

Đại dịch Covid-19 đặt ra những khó khăn, thách thức nhưng cũng mang lại những cơ hội để thay đổi và phát triển, đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiện nay, thể chế cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và những mô hình phát triển mới vẫn đang rất thiếu. Xuất phát từ thực tiễn đó, tôi hy vọng, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn: Tập hợp trí tuệ tập thể, hình thành mạng lưới tham vấn chất lượng cho Quốc hội

Chúng tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững". Đặc biệt, đây sẽ là diễn đàn thường niên, nhằm tập hợp, phát huy trí tuệ, ý kiến đóng góp không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm thảo luận, đóng góp vào quá trình xây dựng và ban hành chính sách điều hành, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Chính phủ đang rất tích cực để chuẩn bị trình ra Quốc hội xem xét một dự án luật sửa 10 luật, nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc cho môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin có chất lượng, phục vụ cho việc điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho gói chính sách tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp bất thường sắp tới.

Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu mang tính chất tạm thời, có tác động trong ngắn hạn, đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy sự phục hồi đồng bộ của nền kinh tế. Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế sẽ không thể sớm phục hồi và tăng tốc.

Rất nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đang rất chờ đợi vào việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, coi đây là "gói hỗ trợ" lớn nhất để phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch. Bởi lẽ, khi cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh thì doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian khi giao dịch, thực hiện các thủ tục; giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh. Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, môi trường thể chế thuận lợi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, tạo sức bật cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự chủ động vào cuộc của Quốc hội và Chính phủ trong thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tôi kỳ vọng, quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới.

Nhật An thực hiện