Cấm hay đưa vào quản lý?

- Thứ Tư, 17/03/2021, 06:36 - Chia sẻ

Theo số liệu của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (hay thuốc lá nung nóng/thuốc lá thế hệ mới) trong thanh thiếu niên năm 2015 chỉ 1,1% nhưng đến năm 2019 đã tăng nhanh lên 2,6%. Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam chưa có bất kỳ công ty nào được phép nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, cũng chưa khung pháp lý để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử và chế tài xử phạt sản phẩm nhập lậu. Điều này đã khiến cơ quan quản lý lúng túng khi thu giữ và xử lý sản phẩm nhập lậu.

Hiện nay, chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm, hàng nhập lậu. Còn thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới chưa nằm trong khái niệm “sản phẩm thuốc lá”. Do chưa có cơ chế quản lý, nên thuốc lá điện tử khi bị bắt thì chỉ xử phạt hành chính, tịch thu tang vật trong khi buôn lậu thuốc lá điếu trên 500 bao có thể cấu thành tội hình sự kèm tước giấy phép kinh doanh thuốc lá có thời hạn. Vì lỗ hổng này, những năm gần đây số ca buôn lậu thuốc lá điện tử tăng nhanh bởi lợi nhuận hấp dẫn, thách thức công khai cơ quan quản lý.

Tháng 1.2021, Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài - Cục Hải quan TP. Hà Nội và Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (đội 1) đã bắt 250 cây thuốc lá điện tử qua đường hàng không. Cũng trong tháng 1.2021, Chi cục Hải quan Tân Thanh - Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện lô hàng vô chủ gồm 2.300 điếu thuốc lá điện tử. Trước đó, vào tháng 12.2020, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 73 chiếc máy đốt thuốc lá (thiết bị nung nóng), 8.070 sản phẩm thuốc lá đi kèm máy; 3.043 lọ tinh dầu điện tử. Tổng sản phẩm hàng hóa ước tính gần 1 tỷ đồng.

Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp được phát hiện và công bố. Thực tế còn rất nhiều trường hợp nhập lậu trót lọt, được rao bán công khai trên các trang mạng với kiểu dáng bắt mắt, giá thành chỉ vài trăm thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng, không rõ nguồn gốc xuất xứ (được gắn mác là hàng xách tay), gây thất thu cho ngân sách nhà nước và gieo rắc những hiểm nguy về sức khỏe cho cộng đồng. Còn với những trường hợp phát hiện và thu giữ, các cơ quan chức năng phải tốn chi phí không nhỏ cho việc lưu giữ, tiêu hủy… và cả giải quyết hậu quả do thuốc lá điện tử để lại.

Rõ ràng, sự xuất hiện của mặt hàng này có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như đặt ra yêu cầu phải có biện pháp để quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, lập lại trật tự quản lý nhà nước. Vậy nên cấm hoàn toàn, đánh thuế để quản lý, hay cho phép thí điểm trước để có chính sách phù hợp? Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấm là không khả thi bởi Luật Đầu tư 2020 có quy định có 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong số này không có ngành nghề kinh doanh thuốc lá. Dẫu biết thuốc lá không có lợi cho sức khỏe của con người, nhưng đây là nhu cầu thực tế của người trưởng thành, nếu chặn đứng nguồn cung chính thức, hợp pháp trong nước, người tiêu dùng sẽ tìm đến các nguồn cung bất hợp pháp, tạo thêm cơ hội cho các nguồn hàng lậu.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét các sản phẩm thuốc lá điện tử nào đủ điều kiện đưa vào quản lý trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hoặc xây dựng ban hành chính sách quản lý các loại thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Càng sớm có luật quản lý dựa trên sự phù hợp, có chọn lọc các loại thuốc lá phù hợp, thì càng nhẹ gánh hơn cho các cơ quan quản lý khi phải gồng mình giải quyết những hệ lụy do thuốc lá buôn lậu gây ra, giúp người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm được sản xuất hợp pháp, thông tin minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc xây dựng khung pháp lý cần được thực hiện một cách thận trọng trên cơ sở đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, đo lường tác động rủi ro đối với sức khỏe và tham khảo kinh nghiệm các nước có nền y tế và khoa học phát triển.

Duy Anh