Kết quả môn tiếng Anh vẫn thuộc nhóm thấp so với các môn học khác
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2024, cả nước có hơn 906.000 thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh. Điểm trung bình của thí sinh đạt được là 5,51 điểm, cải thiện nhẹ so với mức 5,45 điểm của năm 2023. Điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 4,6 điểm.
Có hơn 565 em đạt điểm 10, cao hơn năm trước không quá nhiều. Tuy nhiên, có 14 em đạt điểm 0 và 145 em bị điểm liệt.
Các chuyên gia từ Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) nhìn nhận, xét về tổng quan phổ điểm nói chung, phổ điểm môn tiếng Anh năm nay tiếp tục có hình dạng yên ngựa, khác biệt so với phổ điểm hình quả chuông đều của các môn thi khác. Một đỉnh của phổ điểm tiếng Anh ở ngưỡng cao là khoảng 8 điểm và một đỉnh ở ngưỡng thấp là 4,6 điểm.
Nhìn chung, mặc dù có sự khởi sắc nhẹ về kết quả so với những năm trước, kết quả môn tiếng Anh vẫn thuộc nhóm thấp so với các môn học khác như Ngữ văn, Vật lý, Hóa học,…
Khả năng tiếp cận phương pháp giáo dục môn tiếng Anh chất lượng đang chênh lệch
Theo các chuyên gia, tiếng Anh là một môn học đường dài, cần đầu tư bài bản và có lộ trình. Một khi đã mất “gốc”, học sinh thậm chí sẽ rất chật vật để đạt được mức điểm trên trung bình, chưa nói đến mức điểm cao. Để cải thiện năng lực, phản ánh bằng điểm số, các em học sinh khó có thể chỉ "học xổi”.
Với sự khác nhau về văn hóa, điều kiện giữa các vùng miền, khả năng tiếp cận phương pháp giáo dục môn tiếng Anh chất lượng đang tương đối chênh lệch.
Tại khu vực thành thị, các đô thị, các gia đình thường có xu hướng đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm và dài hạn. Các trung tâm tiếng Anh cũng quy mô hơn, trang thiết bị hiện đại, phương pháp giảng dạy mới mẻ, giáo viên bản ngữ trình độ cao. Ở chiều ngược lại, học sinh ở một số điểm vùng sâu vùng xa chỉ bắt đầu học ngoại ngữ bài bản từ khi lên cấp II, thậm chí cấp III.
Kết quả là sự khác biệt này thể hiện rõ ràng ở phổ điểm, khi các tỉnh thành lớn, trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng… liên tiếp dẫn đầu danh sách địa phương có điểm trung bình môn tiếng Anh cao nhất. Ít thấy có sự góp mặt của các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi trong danh sách này.
Đáng chú ý hơn là sự khác biệt lớn giữa nhu cầu đầu ra của việc học tập và giảng dạy tiếng Anh. Hiện nay, rất nhiều trung tâm giảng dạy tiếng Anh theo định hướng phát triển năng lực đồng đều, tăng cường kỹ năng nghe - nói ngang bằng, thậm chí vượt kỹ năng đọc - viết.
Trong khi đó, giới hạn ra đề của đề thi trắc nghiệm chỉ có thể bao quát chủ yếu kỹ năng đọc - hiểu. Các chuyên đề từ vựng và ngữ pháp được giảng dạy và phổ cập ở bậc THPT được đưa vào các câu hỏi có tính phân hóa, nên điểm thi tốt nghiệp THPT chưa chắc đã phản ánh hoàn toàn năng lực học sinh.
Khuyến khích học tiếng Anh kiểu "canh tác"
Tiến sĩ Yulia Tregubova, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) - người có 20 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực ngôn ngữ học nhìn nhận, một xu hướng giảng dạy ở các trường trung học tại Việt Nam là thầy và trò tập trung quá nhiều vào việc luyện đề, làm đề.
Trong giáo dục, hiện tượng này được gọi là "negative washback", khi việc dồn sức ôn luyện cho thi cử không những không mang lại hiệu ứng tích cực, mà còn ảnh hưởng lệch lạc đến cả quá trình giảng dạy. Điều này sẽ hạn chế học sinh được đào tạo và cọ sát đa chiều, để phát triển tất cả các kỹ năng.
“Nếu chỉ học tiếng Anh để đi thi thì bạn giống như người "đi săn" (hunting), chộp giật và ngắn ngày. Tôi khuyến khích học tiếng Anh kiểu "canh tác" (farming) hơn - đó là đầu tư vào sự phát triển đường dài của học sinh”, Tiến sĩ Yulia Tregubova nói.
Để xây dựng một nền tảng tiếng Anh vững vàng để tiến lên đại học và đi làm, Tiến sĩ Yulia Tregubova khuyến khích các em học sinh theo học các chương trình đào tạo toàn diện các kỹ năng tiếng Anh cho các mục tiêu học thuật.
Qua đó, tiếp xúc với đa dạng thể loại bài đọc hiểu, ngữ văn, bối cảnh học thuật mà các em sẽ tiếp xúc trong những năm học đại học, không chỉ tại Việt Nam mà ở bất cứ đâu trên thế giới.