Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng
Quán triệt, bám sát chủ trương Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 7.12.2023 của Tỉnh ủy, trong đó xác định 3 đột phá cho phát triển năm 2024 gồm: thúc đẩy đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực từ đất đai, 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp triển khai thực hiện, phân công cụ thể, xác định rõ vai trò người đứng đầu để tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả,
Cụ thể: đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều Hội nghị và cuộc họp chuyên đề xây dựng các giải pháp cụ thể, thiết thực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Các Tổ công tác của UBND tỉnh đôn đốc, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các khâu thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án trọng điểm về giao thông, du lịch, các dự án vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án trong Khu, Cụm Công nghiệp.
UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền và kịp thời kiến nghị tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách; chủ động đăng ký làm việc với các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn điện lực Việt Nam để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đầu tư, khoáng sản, năng lượng, hạ tầng truyền tải... Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về giao thông, cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng mô hình, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ đạo mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam, một trong những quan điểm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Ninh Thuận năm 2024 là “Lấy doanh nghiệp là trung tâm, động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5.1.2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND ngày 25.1.2024 đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm giao cho từng sở, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện. Đồng thời, ban hành nhiều kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Qua đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo mạnh mẽ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu đầu tư. Với tinh thần “Phục vụ - đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức các Hội nghị đối thoại chuyên đề và gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng tháng trên địa bàn tỉnh năm 2024. Thành lập 3 tổ công tác của UBND tỉnh; đồng thời, chỉ đạo thành lập các Tổ công tác do Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm Tổ trưởng để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 3 hội nghị Gặp mặt đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung. Việc vận hành Cổng dịch vụ công của tỉnh từng bước ổn định và phát huy hiệu quả; đưa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch vào hoạt động ổn định. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn; qua triển khai thực hiện thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn, số lượng công việc được giải quyết tăng hơn so với trước đây. Mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” tạo được sự hài lòng của công dân, tổ chức khi đến giao dịch, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tính đến ngày 31.5.2024, Trung tâm Phục vụ Hành chính công Tỉnh đã giải quyết 45.938/45.606 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 99,85%.
Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đạt 69,10 điểm, tăng 3,67 điểm (năm 2022 là 65,43 điểm), tăng 38 bậc so với năm 2021 và tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 2/14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Các chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định, nằm trong nhóm khá của cả nước - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam nhấn mạnh.