Các vấn đề đặt ra khi triển khai chuyển đổi số thư viện

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 16:51 - Chia sẻ
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đã tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, mang lại nhiều giá trị, tạo nền tảng trong đổi mới hoạt động của các tổ chức, trong đó có thư viện. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp thư viện là cần có định hướng, chiến lược triển khai chuyển đổi số thư viện, hướng đến hiện đại hóa mô hình hoạt động thư viện gắn với chuyển đổi phương thức cung ứng sản phẩm và dịch vụ.

Chuyển đổi số đối với hoạt động thư viện là một quá trình lâu dài, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải có kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn dài hạn và có lộ trình để triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra. Trong đó, cần chú trọng tính liên tục, thông suốt và kế thừa của từng giai đoạn hướng đến thiết lập một hệ thống thư viện đồng bộ, liên kết, trên nền tảng đổi mới hoạt động và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ.

Hoạt động chuyển đổi số đối với hệ thống thư viện cần hướng đến các yếu tố sau:

Nhu cầu của người sử dụng là trung tâm

Đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trên nền tảng số là nhiệm vụ có tính chất thường xuyên hiện nay 
Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

Xét cho cùng, hoạt động của thư viện hướng đến đáp ứng nhu cầu các đối tượng người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ. Trong sự biến đổi không ngừng của khoa học - công nghệ, cùng sự phát triển của tri thức nhân loại, nhu cầu sử dụng thông tin, các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện ngày càng đa dạng, kèm theo đó là những biến đổi trong phương thức tiếp cận của người sử dụng với xu thế “ảo hóa” - phương thức tiếp cận ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, đòi hỏi thư viện không ngừng đổi mới và tạo ra những giá trị mới cho người sử dụng thông qua chuyển đổi số. Ngoài ra, thông qua sử dụng thư viện, nâng cao năng lực thông tin, năng lực số cho người sử dụng.

Năng lực đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và liên thông, liên kết giữa các thư viện là thường xuyên

Khác với hoạt động số hóa (nhấn mạnh khâu phát triển tài nguyên thông tin của thư viện) thì chuyển đổi số đòi hỏi thư viện phải đổi mới toàn bộ nội dung, phương thức, quy trình triển khai hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, từ xây dựng tài nguyên thông tin, xử lý, bảo quản, bảo mật, tìm kiếm, phổ biến thông tin, truyền thông, đánh giá hoạt động thư viện từ đó tạo ra những giá trị mới cho người sử dụng thông qua cung ứng sản phẩm và dịch vụ thư viện trên nền tảng số. Chính vì vậy, đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trên nền tảng số vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ có tính chất thường xuyên hiện nay. Việc đổi mới này đòi hỏi tính đồng bộ, chuẩn hóa và liên kết, từ đó tạo ra diện mạo mới cho hệ thống thư viện hướng đến tạo ra những giá trị mới trong cộng đồng.

Khác với thư viện truyền thống, thư viện hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi năng lực liên thông, liên kết phục vụ, tạo thành mạng lưới thư viện trong cả nước, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho người dân tại mọi thời điểm, mọi không gian và mọi dạng thức. Từ đó, chuyển đổi số thư viện phải gắn với năng lực đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và liên thông liên kết thư viện, đây được xem là yếu tố quyết định thành công trong triển khai chương trình chuyển đổi số mà Chính phủ đặt ra.

Nguồn lực cho hoạt động chuyển đổi số, trong đó yếu tố công nghệ là động lực cho các hoạt động

Để chuyển đổi số trong hoạt động thư viện thành công không thể không nhắc đến nguồn lực, trong đó phải kể đến: nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ, trong đó:

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm với việc tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, gắn với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện.

Bảo đảm nguồn lực tài chính cho hoạt động chuyển đổi số, bao gồm: kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kinh phí để triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và kinh phí để chi cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thư viện.

Hệ thống máy scan giúp thư viện đưa sách lên nền tảng số nhanh chóng
Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin (trong đó nhấn mạnh yếu tố công nghệ) được xem là nền tảng quan trọng của chuyển đối số trong hoạt động thư viện cần được chú trọng đầu tư cũng như vận hành.

Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo là điều kiện cần và tiên quyết

Với đặc thù trong hoạt động thư viện, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan chủ quản của thư viện, lãnh đạo của các bộ, ngành cho hoạt động chuyển đổi số của thư viện là điều kiện cần và mang tính tiên quyết đối với thành công của thư viện. Sự quan tâm này được thể hiện thông qua việc thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, định hướng đổi mới hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện nói chung và hoạt động chuyển đổi số thư viện nói riêng; đặc biệt là bảo đảm đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số của thư viện theo lộ trình, định hướng đặt ra.

Thể chế chính sách là nền tảng quan trọng

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong chuyển đổi số ngành thư viện giữ vai trò nền tảng, tạo động lực cho sự thành công trong thực hiện chương trình chuyển đổi số của các thư viện. Trong đó các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng và ban hành chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực hoạt động của hệ thống thư viện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và định hướng của Chính phủ, trong đó cần chú trọng và bảo đảm thiết lập một mạng lưới thư viện liên thông, liên kết trên nền tảng chuyển đổi số để phục vụ người dân.

Mục tiêu trọng tâm của chuyển đổi số thư viện là hướng đến đổi mới hoạt động thư viện gắn với đổi mới các giá trị mà thư viện mang lại cho người dân trong việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật. Chuyển đổi số ngành thư viện với vai trò là một bộ phận trong Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ hướng đến công dân số, kinh tế số, xã hội số cần giữ vai trò tiên phong trong việc bảo đảm viêc tiếp cận thông tin, tri thức học tập suốt đời, hướng tới xây dựng một xã hội học tập tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

 

TS. Trịnh Thị Thủy