Với mức độ gia tăng như hiện tại, vào năm 2030 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới bị thừa cân và béo phì. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân và béo phì ngày càng có xu hướng trẻ hóa, hiện nay có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị xếp loại béo phì và 340 triệu trẻ vị thành niên trên toàn thế giới bị béo phì.
Tại Việt Nam, tình trạng thừa cân và bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng, theo số liệu của viện dinh dưỡng tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành hiện nay là 6,6%.
Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị béo phì. Người ta thường chia thành hai nhóm chính: Điều trị không phẫu thuật và điều trị phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật
Chế độ ăn: Nguyên lý chung cho điều trị béo phì không can thiệp phẫu thuật là làm giảm lượng mỡ thừa thông qua việc làm giảm năng lượng đưa vào cơ thể. Mục tiêu của các phương pháp ăn kiêng là làm giảm 10% trọng lượng cơ thể của bệnh nhân béo phì.
Ở những bệnh nhân béo phì có BMI trên 35 hoặc BMI trên 30 kèm theo bệnh lý đái đường thì mục tiêu cần đạt được lên tới 15- 20% trọng lượng cơ thể. Có nhiều loại chế độ ăn:
– Chế độ ăn giảm năng lượng hay giảm béo
– Chế độ ăn giảm năng lượng nhiều protein.
– Chế độ ăn rất thấp calo (< 1000 kcal/ngày).
Điều trị thuốc: Cục quản lý dược của Mỹ hiện nay cấp phép cho một số loại thuốc lưu hành trên thị trường: phentermine, orlistat, phentermine/topiramate, lorcaserin, naltrexone và liraglutide. Cơ chế của các thuốc này đều tác dụng lên thần kinh trung ương làm giảm cảm giác đói và thèm ăn, riêng orlistat làm giảm hấp thu chất béo trong thức ăn.
Thuốc điều trị béo phì được chỉ định khi bệnh nhân điều trị bằng chế độ ăn và hoạt động thể lực thất bại, bệnh nhân có BMI trên 27 kèm theo bệnh phối hợp hoặc BMI trên 30. Hầu hết các thuốc điều trị béo phì có hiệu quả giảm cân từ 3% đến tối đa là 7% trọng lượng cơ thể tùy từng loại. Tuy nhiên thuốc giảm béo đều có tác dụng phụ và khi dừng dùng thuốc thì có tới 80% các bệnh nhân tăng cân trở lại.
Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khuyến cáo, các bệnh nhân béo phì không nên tự mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên thị trường vì sẽ gây ra những biến chứng và tác dụng không mong muốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bệnh nhân.
Vận động thể lực: Ở những bệnh nhân béo phì không hoạt động thể lực hay không tập thể dục làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Hiệu quả giảm cân của việc hoạt động thể lực hay tập thể dục thay đổi tùy mức độ và thời gian tập luyện, mức độ giảm cân cũng thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị béo phì Phẫu thuật điều trị bệnh béo phì được phát triển từ những năm 1960, trước đó béo phì mức độ nặng hiếm gặp. Chủ yếu phẫu thuật béo phì bắt đầu với các phẫu thuật nối tắt hoặc làm ngắn ruột non, tiếp theo đó phẫu thuật giảm béo can thiệp vào dạ dày (nối tắt dạ dày hoặc tạo hình dạ dày). Từ đó các phẫu thuật béo phì ngày một phát triển.
Ngày nay cùng với sự phát triển của công nghệ và nội soi, phẫu thuật nội soi ngày một chiếm ưu thế trong phẫu thuật giảm béo và là xu hướng phát triển của chuyên ngành này.
Với rất nhiều loại phẫu thuật giảm béo việc giảm cân nặng ở các bệnh nhân béo phì có hiệu quả rõ rệt, cùng với giảm cân các bệnh phối hợp với béo phì như các rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, suy tim… cũng cải thiện đáng kể.
Mỗi phương pháp phẫu thuật béo phì đều có ưu nhược điểm riêng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể phẫu thuật viên sẽ tư vấn và lựa chọn phẫu thuật phù hợp.
Hiện nay, hai phương pháp điều trị đang được sử dụng nhiều nhất là phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đang là bệnh viện đầu ngành có thể thực hiện được cả hai phẫu thuật trên.