75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2021)

Cả nước đồng lòng hưởng ứng

- Thứ Hai, 20/12/2021, 06:17 - Chia sẻ
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ 198 chữ, nhưng đã vạch trần nguyên nhân nổ ra chiến tranh là do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày rõ lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta; thúc giục triệu người nhất quyết xông tới, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được viết súc tích, chỉ 198 chữ
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được viết súc tích, chỉ 198 chữ

Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19.12.1946, anh em công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh ta từ pháo đài Láng, pháo đài Xuân Tảo dồn dập bắn vào Thành.

Sáng ngày 20.12.1946, Đài Tiếng nói Việt Nam và các tờ báo ra ở Hà Nội như Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Cảm Tử, Tiền Phong, Chiến Thắng đều trang trọng phát và đăng toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

HỒ CHÍ MINH” (1)

Lời kêu gọi Người viết súc tích, chỉ 198 chữ, nhưng đã vạch trần nguyên nhân nổ ra chiến tranh là do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày rõ lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng” và khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đồng thời nêu bật ý chí quyết tâm đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình. Người cũng vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi vẻ vang.

Chỉ hai ngày sau, ngày 21.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục gửi thư cho nhân dân ta, nhân dân Pháp và nhân dân các nước đồng minh, khẳng định thêm quyết tâm kháng chiến: “Các đồng bào! Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hy sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập và thống nhất. Chúng ta có 20 triệu chống lại 10 vạn thực dân. Cuộc thắng lợi của chúng ta rất có bảo đảm”. (2)

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với các chiến sĩ đang dũng cảm tiến công từng ngôi nhà, trụ vững từng chiến lũy... đến với những bà con thành phố đang hăng hái khuân bàn ghế, giường tủ nhà mình ra xây đắp thêm công sự cho anh em Vệ Quốc. Lời Bác đã thúc giục triệu người nhất quyết xông tới, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12.1946

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, lực lượng vũ trang Nam Định đã bao vây giam giữ 800 quân Pháp trong Nhà máy Sợi gần ba tháng; ta đã đánh phá giao thông quyết liệt ở đường số 5; ở thị xã Vinh ngay từ đêm nổ súng quân Pháp đã phải hàng quân ta; ở Huế, sau 50 ngày vây đánh, ta đã diệt gần 200 tên Pháp; ở Đà Nẵng mặc dù quân Pháp đông gấp bội (gần một vạn tên) ta cũng đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây.
Ngay tại Hà Nội, trong hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, đêm 17.2.1947, Trung đoàn Thủ đô mới bí mật vượt sông Hồng, rút khỏi nội thành, sau 57 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây tiêu diệt địch, tạo thời gian cần thiết để di chuyển các cơ quan, công xưởng lên vùng chiến khu, vượt trước thời gian so với lời hứa của đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng với Bác Hồ gần một tháng.  

Nhớ hồi tháng 8.1945, trước khi rời căn cứ địa Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một số đồng chí ở lại củng cố chính quyền, các cơ sở Đảng, giúp dân xây dựng đời sống mới với lời căn dặn: “Biết đâu ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại: “Một hôm sau cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, khi mọi người đã ra về, Bác hỏi tôi:

- Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?

Tôi thưa với Bác:

- Có thể giữ được một tháng.

Bác lại hỏi: các thành phố khác thì sao?

- Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn.

- Còn vùng nông thôn?

- Vùng nông thôn nhất định ta giữ được.

Người suy nghĩ giây lát rồi nói:

- Ta lại trở về Tân Trào” (3)

Việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến đã chứng tỏ sự nhạy bén, sáng suốt, nhận định đúng tình hình, đánh giá đúng âm mưu và hành động của kẻ thù; đồng thời thấy rõ khả năng, ưu thế cũng như hạn chế của ta. Từ đó, đi đến lựa chọn đúng thời điểm và chọn địa điểm trọng tâm là thủ đô Hà Nội để chủ động nổ súng tiến công kẻ thù xâm lược, nhằm giành lấy lợi thế ngay từ những ngày đầu, giờ đầu; đồng thời chủ động chuyển cả nước vào trạng thái kháng chiến trường kỳ một cách nhanh chóng, với những phương án đã được chuẩn bị trước hàng cả năm.

75 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu của ngày Toàn quốc kháng chiến, trong đó bài học về sự chủ động tiến công, giành quyền chủ động nổ súng khi không thể nhân nhượng được nữa và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân cho công cuộc kháng chiến đến nay vẫn nguyên giá trị thời sự sâu sắc.

Năm 1975, ngôi nhà ông nguyễn Văn Dương - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Ngày 1.10.2012, bản thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ được công nhận là Bảo vật quốc gia.

 --------------

1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 4 , tr. 534, 537

3. Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quyên. NXB Trẻ, Hà Nội, 2010, tr. 396

TS. Chu Đức Tính Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh