Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án) được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 3.2021 tại Quyết định số 414/QĐ-TTg.
Mục tiêu đặt ra là hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Tại hội thảo tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngày 23.6, TS. Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, sau 2 năm triển khai Đề án đã đạt một số kết quả quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Đến hết tháng 5.2023, có 56 tỉnh, thành đã và đang triển khai Đề án và cả nước có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương.
Trong quá trình triển khai Đề án, các tổ chức quốc tế, các nước đã hỗ trợ Việt Nam triển khai 5 nội dung chính về: phòng, chống dịch bệnh động vật; giám sát, cảnh báo và kiểm soát kháng thuốc; hoạt động của Khung đối tác Một sức khỏe; chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vaccine quan trọng, nhất là vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, ngân sách nhà nước dành cho công tác thú y còn hạn chế, nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đề án chưa bố trí được nguồn vốn.
Bên cạnh đó, công tác chủ động giám sát phát hiện, công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo, gây thiệt hại lớn và thường trực nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều địa phương cũng chưa chủ động lập kế hoạch và thiếu kinh phí…
Đánh giá cao việc Việt Nam ban hành và triển khai Đề án, ông Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam coi đây là một trong những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đảm bảo phúc lợi và an ninh lương thực cũng như sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi thông qua kiểm soát hiệu quả dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hội nhập trong thương mại toàn cầu.
Tư vấn một số giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án, TS.Pawin Padaungtod-Văn Phòng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO/ECTAD) Việt Nam lưu ý, Việt Nam cần xây dựng chương trình lồng ghép sự tham gia của nhiều bên; triển khai các biện pháp thực hành tốt để ngành chăn nuôi trong nước có thể áp dụng chung trên diện rộng. Quan trọng nhất là xây dựng chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy, thu hút đầu tư từ khối ngoại đảm bảo sự cân bằng, đạt được mục tiêu thịnh vượng, con người và động vật khỏe mạnh.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam triển khai Đề án cả về kỹ thuật, chuyên gia và kinh phí. Đồng thời, cam kết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục ưu tiên, bố trí các nguồn lực để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các nội dung của Đề án đến năm 2030.
Đại diện tổ chức FAO cũng cam kết đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian tới để xây dựng hệ thống thú y phát triển, hướng tới một ngành chăn nuôi bền vững.