Bước vào không gian cổ tích

- Thứ Ba, 19/01/2021, 21:28 - Chia sẻ
Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn mang đậm màu sắc dân gian Đức, tuyển tập "Truyện cổ Grimm" còn kèm theo minh họa màu sinh động, giúp các em nhỏ hình dung rõ nét hơn về không gian cổ tích Grimm màu nhiệm, li kì, đầy ắp bất ngờ.

Niềm đồng cảm ấm áp

Ở nước ta, truyện cổ Grimm được biết đến từ lâu, khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhưng chủ yếu qua tiếng Pháp, cùng lúc với các tác phẩm của Goethe (Faust, Nỗi đau của chàng Werther), Schiller (Tên cướp), Heine (Nước Đức, một truyện cổ tích mùa đông), Hoffmann (Gia đình họ Hạ)… Ngoài bản tiếng Pháp, truyện cổ Grimm cũng được biết đến qua tiếng Trung. 

Trong giao lưu văn hóa Việt - Đức, truyện cổ Grimm ngày càng được giới thiệu mạnh mẽ và đầy đủ. Đã có không ít người tham gia vào công việc này, có thể kể đến nhà văn hóa Hữu Ngọc, đặc biệt là nhà nghiên cứu văn học dân gian Đức Lương Văn Hồng đã có công lớn làm cho văn bản sát nghĩa hơn với nguyên bản. 

Ấn bản mới nhất của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được dịch từ nguyên bản tiếng Đức

Suốt thời gian ấy, truyện cổ Grimm đã sống trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt. Nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, GS. Chu Xuân Diên nhận định, đọc truyện cổ Grimm, độc giả không những thấy lòng mình ấm áp hẳn lên vì nội dung nhân đạo, trí óc mình sắc sảo thêm lên vì những kinh nghiệm về cuộc sống dồi dào, cảm quan thẩm mỹ được thỏa mãn vì nghệ thuật kể chuyện trong sáng mà hấp dẫn. Đọc Truyện cổ Grimm độc giả Việt Nam còn được hưởng niềm vui thích đôi khi đến ngạc nhiên, vì thấy trong nhiều truyện, nhân dân hai nước Đức và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, thậm chí giống nhau đến kỳ lạ.

Chẳng hạn, so sánh truyện Cô Lọ Lem (Đức) với truyện Tấm Cám (Việt), giống nhau không những về chủ đề, cốt truyện, mà cả nhiều chi tiết. Sự giống nhau về kiểu truyện như thế còn gặp giữa truyện Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán (Việt) và truyện Những con vật biết ơn (Đức)... Tại sao lại có những sự giống nhau như vậy? GS Chu Xuân Diên lý giải: "Có thể do nhân dân lao động hai nước cùng có những nét chung về kinh nghiệm sống, cùng có chung những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, trong đó cái thiện thắng cái ác, sự thật thắng gian dối, trong đó lao động sáng tạo và lòng tốt đối với nhau là cơ sở của mối quan hệ giữa con người với con người. Chính sự giống nhau này cũng là nguyên nhân làm cho độc giả Việt Nam từ lâu và mãi mãi sẽ vẫn còn yêu thích Truyện cổ Grimm như đã yêu thích kho tàng truyện cổ tích của chính dân tộc mình”.

Sức hấp dẫn đặc biệt

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vừa giới thiệu tới độc giả tuyển tập Truyện cổ Grimm được dịch giả Trần Đương chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức, với phiên bản bìa hoàn toàn mới. Cuốn sách dày hơn 400 trang được đầu tư phần bìa cứng sắc màu, do họa sĩ Kim Duẩn vẽ. 

Những câu chuyện ấn tượng trong cuốn sách như: Chu du thiên hạ để học rùng mình, Chú bé tí hon, Cô Một Mắt, cô Hai Mắt, cô Ba Mắt, Sáu con thiên nga, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Nàng công chúa ngủ một trăm năm, Bàn ơi, trải khăn, bày thức ăn đi... Theo dịch giả Trần Đương, ở đó, chúng ta sẽ bắt gặp những ước mơ, niềm khát vọng của con người thuở xa xưa. Đó cũng là nét chung nhất trong các truyện cổ của mọi dân tộc, là sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các bạn nhỏ ở mọi thế hệ.

"Giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, tôi và 148 thiếu nhi Việt Nam ở lứa tuổi từ 8 - 13 được sang Đức học. Trong những bài học đầu tiên, có truyện cổ Grimm - có thể coi là dấu hiệu ban đầu trong quá trình tiếp xúc với văn hóa và ngôn ngữ Đức. Để rồi, càng đọc tôi càng nhận ra giá trị của các câu truyện. Ấy là những ước mơ được vui sống, khát vọng chất phác nhưng thấm đẫm chất nhân văn của con người trong lao động, trong cuộc sống bình thường. Chất phác, bình dị, song dường như đó là khởi nguồn cho nhân loại từ xa xưa đến hôm nay, mãi mãi không hề thay đổi", dịch giả Trần Đương nói.

Thái Minh