Diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 4 tháng phải căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, yêu cầu nhất quán được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra là phải rút ngắn tối đa thời gian họp nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội, đồng thời phải sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống, nhất là chủ động thích ứng với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh… Vì thế, cùng với quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ sau Kỳ họp thứ Nhất, tại Kỳ họp thứ Hai này, cả “bộ máy” của Quốc hội đã làm việc khẩn trương với "công suất" tối đa, tận dụng mọi quỹ thời gian, Quốc hội họp cả thứ bảy, chủ nhật còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực các Ủy ban, các cơ quan tham mưu, giúp việc làm việc xuyên đêm để kịp thời tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, hoàn thiện các nội dung. Nhờ đó, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, cho ý kiến đối với 5 dự án luật và xem xét, thông qua 2 luật, 12 nghị quyết gồm 1 nghị quyết chung của Kỳ họp và 11 nghị quyết chuyên đề, vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt vừa quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn của đất nước như kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm 2021 - 2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025...
Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ đối với Thủ tướng Chính phủ và 4 bộ trưởng, tập trung vào các vấn đề quốc kế dân sinh nóng bỏng nhất hiện nay như: chiến lược phòng, chống dịch, vaccine, quản lý giá xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đội ngũ cán bộ y tế; việc thực hiện các gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động, bảo vệ quyền trẻ em; bảo đảm chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc phân bổ, giao kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển…
Quốc hội cũng đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021. Đặc biệt, lần đầu tiên, Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Nhiều đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến cũng đã được áp dụng tại kỳ họp này, bước đầu phát huy hiệu quả và được cử tri, Nhân dân đánh giá cao. Như việc lần đầu tiên, Quốc hội chia tổ thảo luận tại cả Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số lượng kỷ lục lên tới 73 Tổ đại biểu Quốc hội. Trong đó, với các Tổ họp tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội đã mời thêm lãnh đạo chính quyền địa phương, các sở ngành chuyên môn, các chuyên gia tham dự và đóng góp ý kiến về các nội dung trình Quốc hội, thực hiện chủ trương chung của Quốc hội về mở rộng dân chủ, tận dụng mọi cơ hội để lắng nghe ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, đưa cuộc sống vào luật, vào nghị quyết. Số lượng ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia các nội dung của kỳ họp đã tăng cao hơn hẳn so với các kỳ họp trước. Thống kê cho thấy có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể.
Cùng với đó là việc tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận ở tổ, giải trình ý kiến thảo luận tổ trước khi thảo luận tại hội trường. Việc các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu bước đầu ngay sau phiên họp tổ đã giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, chuẩn bị ý kiến kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn, hạn chế các phát biểu trùng lặp tại phiên họp toàn thể, từ đó góp phần nâng cao chất lượng các dự án, dự thảo.
Riêng với đợt họp trực tiếp, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh được họp theo hình thức trực tuyến, vừa bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các đại biểu Quốc hội tại địa phương vừa góp phần vào thành công chung của Kỳ họp. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội họp tập trung nhưng vẫn có 1 Đoàn đại biểu Quốc hội họp trực tuyến. Kỳ họp này cũng bắt đầu thử nghiệm biểu quyết điện tử, không chỉ là giải pháp tình thế ứng phó với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 mà còn hướng đến việc xa dài hơn: Quốc hội có thể họp trực tuyến cả kỳ để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Những đổi mới như vậy là minh chứng sống động cho thấy sự nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tổ chức kỳ họp thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh. Thành công của kỳ họp lần này, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đã “tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.