Phán quyết mang tính bước ngoặt
Trong một phán quyết hiếm hoi hôm 10.7, Tòa án cấp cao Hiroshima đã chấp nhận cho một phụ nữ được chuyển đổi giới tính mà không cần tiến hành phẫu thuật xác định giới tính. Phán quyết của Tòa cho biết điều khoản trong Luật yêu cầu phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính rồi mới cho phép một người thay đổi giới tính của mình "bị nghi ngờ là vi Hiến" vì nó buộc một cá nhân phải lựa chọn giữa việc phẫu thuật hoặc từ bỏ việc chuyển đổi giới tính.
Tòa án thừa nhận rằng liệu pháp sử dụng hormone có thể giúp thay đổi bộ phận sinh dục mà không cần phẫu thuật và thừa nhận rằng các bộ phận cơ thể của người nộp đơn, người được xác định giới tính sinh học (giới tính khi sinh ra) là nam, đã được "nữ hóa".
Nguyên đơn là một cư dân sinh sống ở miền Tây Nhật Bản, chỉ tiết lộ tuổi của mình là dưới 50 tuổi. Người này đã nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao Nhật Bản sau khi tòa án gia đình và tòa án cấp cao bác bỏ yêu cầu chuyển đổi giới tính của bà. Tòa án Tối cao sau đó đã yêu cầu Tòa án Cấp cao Hiroshima xem xét lại vụ án.
Trong phiên tòa, nguyên đơn lập luận rằng để đáp ứng quy định của luật về xác định giới tính, một người cần phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ dương vật. Tuy nhiên, đây là một gánh nặng quá mức cả về tài chính và sức khỏe.
Tòa án cấp cao Hiroshima sau đó đã chấp thuận việc thay đổi giới tính cho người nộp đơn khi xem xét lại vụ án do Tòa án Tối cao gửi lại.
Thông qua luật sư của mình, bà cho biết "rất vui khi phán quyết của Tòa đã giúp bà giải quyết những khó khăn phát sinh từ khác biệt giữa giới tính sinh học của bà (giới tính khi sinh ra của bà với bộ phận sinh dục nam) với bản dạng giới của bà (giới tính mà bà tự cảm nhận). Theo luật sư, việc chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ mà không cần phẫu thuật chuyển đổi giới tính là cực kỳ hiếm khi được chấp thuận.
Cùng với phán quyết chấp thuận quyền chuyển đổi giới tính của nguyên đơn, phán quyết của Tòa án Cấp cao Hiroshima cũng khẳng định, mục đích của điều khoản yêu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính trước khi cho phép chuyển đổi giới tính, nhằm phòng ngừa những xáo trộn mang tính xã hội khi người chuyển đổi giới tính tham gia các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay nhà tắm công cộng, là hoàn toàn hợp pháp.
Luật pháp Nhật Bản về chuyển đổi giới tính
Vào năm 2023, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật Đặc lệ dành cho những người mắc chứng rối loạn bản dạng giới. Luật sau đó có hiệu lực từ năm 2004 và được sửa đổi vào năm 2008, quy định 5 điều kiện đối với những người muốn đăng ký chuyển đổi giới tính.
Năm điều kiện đó bao gồm: cá nhân đó phải từ 18 tuổi trở lên, chưa kết hôn, không có con dưới tuổi vị thành niên, "không có tuyến sinh sản" hoặc có tuyến sinh sản "đã mất chức năng vĩnh viễn" và có "cơ thể có bộ phận giống với cơ quan sinh dục của người khác giới". Ngoài ra, người muốn chuyển đổi giới tính phải có chẩn đoán mắc chứng rối loạn bản dạng giới từ ít nhất hai bác sĩ.
Nhận thức của công chúng về việc bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số tình dục đang ngày càng tăng cao tại Nhật Bản, quốc gia duy nhất trong Nhóm Bảy quốc gia chưa hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hoặc kết hợp dân sự.
Vào tháng 3, một tòa án cấp cao khác của Nhật Bản đã ra phán quyết rằng việc nước này không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là vi Hiến.
Ở cấp quốc gia, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành một đạo luật vào tháng 3 năm ngoái nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về các nhóm xu hướng tính dục thiểu số nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục.
Ngày càng nhiều thành phố cấp giấy chứng nhận quan hệ đối tác để giúp các cặp đôi đồng giới dễ dàng được hưởng một số phúc lợi dịch vụ công giống như các cặp đôi dị tính, mặc dù chúng không có ràng buộc về mặt pháp lý.
Phán quyết mới nhất của tòa án cấp cao là phán quyết cuối cùng nhưng chỉ áp dụng cho người nộp đơn. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết của Tòa có thể trở thành án lệ hoặc là cơ sở gây áp lực buộc chính phủ phải xem xét lại các điều khoản yêu cầu phẫu thuật xác định giới tính trước cho phép một người được làm thủ tục chuyển giới.