Bóng người trong ban mai

- Thứ Hai, 03/01/2022, 06:34 - Chia sẻ
Thành phố này, cái đô thị mười triệu dân; trung tâm công nghiệp, sản xuất, thương mại dịch vụ lớn và quan trọng nhất cả nước phải và sẽ đi thế nào trên con đường sắp tới để phục hồi và tiếp tục sự sống như nó vốn có?

Cuối năm, thành phố phương Nam vốn chỉ hai mùa bỗng một sáng ra có chút se se lạnh như theo những luồng gió từ phương Bắc thổi vào, dù ít ỏi nhưng cũng đủ gây cảm giác ngây ngây khác lạ về “mùa”.

Những bóng người đổ xuống mặt đường lúc còn tờ mờ sáng đã thấy thêm vành mũ và tấm áo len mỏng khoác hờ. Chỉ ít tháng trước thôi, mỗi đêm khuya hay sáng sớm, trùm lên thành phố cũng một không khí lành lạnh như thế nhưng là cái lạnh hoang vu của bệnh dịch, phảng phất màn sương mờ ảo của ly tán.

Nhưng sáng nay, là cái lạnh của mùa về trong sự hồi sinh.

Dưới ánh đèn nhập nhoạng, người đàn bà thong thả đạp xe đi trong ý nghĩ về những món chốc nữa sẽ mua về cho gia đình. Bỗng thấy dưới mặt đường bóng một người đang đạp theo xe mình; chị đạp nhanh; cái bóng cũng đạp nhanh theo; đạp chậm lại, cái bóng cũng chậm lại nhưng luôn trong một khoảng cách không xa mà không quá gần. Cố đạp nhanh hơn như muốn thoát ra xa thì cái bóng cũng tăng tốc cho đến khi đi ngang xe chị. Là một người đàn ông. Chị nhìn sang thấy anh đang nhìn mình, trạc ngoại ngũ tuần trong bộ đồ màu xám của các phật tử hay mặc đi chùa. Anh chở theo một bao gì rất nặng. Như để trấn an, người đàn ông lên tiếng: “Chào chị, chị có dáng người giống cô bạn gái em quá, em đi theo chị nãy giờ vì nhớ cô ấy, bạn em đã mất vì Covid mấy tháng nay. Em nhớ cô ấy quá, xin lỗi chị!".

Trong nỗi sợ, chị bất ngờ lặng đi.

Người đàn ông kể tiếp: "Em gặp cô ấy và quen nhau trong quá trình đi làm thiện nguyện ở chùa hơn hai năm nay, chưa kịp cưới thì dịch ập đến, chúng em đành hoãn tất cả và lao vào làm tình nguyện viên, giờ cô ấy mãi đi rồi...".

Người đàn ông cho biết anh đang đạp xe chở bao gạo lên chùa, vẫn tiếp nối công việc như ngày nào thành phố còn trong đại dịch, dù giờ đây không còn người song hành...

Cũng gần đấy, ngay góc ngã tư cạnh công viên, một chị bán ngô đang loay hoay với cái sọt đầy nặng trên ba ga xe, những bắp ngô nóng hổi tỏa mùi theo làn khói bốc ra qua làn vải phủ. Một anh xe ôm chưa có khách lúi húi phụ những việc vặt giúp chị, khởi đầu của một buổi bán sáng.

Ngã tư đèn đỏ, khách dừng xe nhân tiện mua vài bắp ngô trên đường đi làm, đấy là lý do chị đã đứng bán ở đây từ nhiều năm nay. Hai vợ chồng từ Bắc vào, con cái gửi ông bà ngoài ấy, chồng “chả làm gì” (chị kể thế), vợ bán ngô mỗi sáng đều tăm tắp tháng đủ ba mươi ngày. Sáng sáng dậy từ hai ba giờ luộc ngô, năm giờ chở đi đứng bán chừng gần tám giờ là hết. Thế mà đủ nuôi ông chồng “chả làm gì”, tiền nhà trọ, tiền ăn và gửi về quê cho hai con. Mấy tháng dịch là đi tong số dành dụm từ sau tết. 

Nhưng vẫn là may, cả xóm trọ bao ca dương tính. Chị còn được mỗi sáng trở lại đứng đây, bán hết sọt ngô luộc, tích cóp lại từ đầu và mỗi ngày trở về nhà với ông chồng “chả làm gì” mà không phải cô đơn lẻ bóng, và con chị ở quê cũng vẫn còn đủ mẹ, đủ cha.

Với chị, “tài chính” của năm nay coi như bắt đầu lại từ tháng mười, chỉ còn ba tháng cuối năm kiếm tiền cho một năm đầy nặng nhọc.

Tết này chị sẽ đem về được bao nhiêu?

Trời còn tối mà công viên đã đông lắm những bóng người vươn vai hít thở. Tập sớm quá kể ra cũng không đúng theo khoa học, nhưng như người ăn giả bữa sau trận ốm, họ tập như để bù đắp lại cho thời gian bị mất đi thời đại dịch, bị đóng cửa ngồi nhà suốt mấy tháng qua, và trong đó hẳn không ít người đã có nhiều ngày “thở khó” hoặc “không được thở”. Và giờ đây khi đã được tự thở, được thở với khí trời, họ muốn thở thật sâu, thật nhiều, như thể được hít căng lồng ngực cho đầy hai buồng phổi khí ô xy quý báu mà thiên nhiên mang lại.

Cho dù ngoài kia, trên con đường huyết mạch xuyên thành phố, những chiếc xe tải, xe công-ten-nơ đang rầm rập nối đuôi nhau phá tan cái tĩnh lặng của buổi sớm mai, và chốc nữa, những dòng người xe sẽ tuôn chảy, không khí sẽ không còn trong trẻo nữa. Nhưng ít ra không còn phải sợ hãi nữa, sau những ngày dài phải sống trong bất an, tù túng và cả cô đơn. Cuộc sống đang dần hồi tỉnh, từng ngày.

Bên hàng rào ngoài công viên, lão họa sĩ già đã lại chống ba toong chậm rãi bước đi trên hè. Hỏi sao cụ không đi trong công viên cho yên tĩnh, cụ bảo: Đi bên ngoài cho có sự lưu thông theo dòng chảy. Trong công viên an toàn yên tĩnh thật nhưng là một vòng luẩn quẩn luôn lặp lại cái đã qua. Ra ngoài để tìm lối mới, dù ồn ào nhưng có âm thanh của đời sống sôi động.

Ôi chao, một ông lão tám mươi mà vẫn còn năng lượng, sức sống để thốt ra những lời tự sự như thế sau cơn đại dịch! Vậy thành phố này, cái đô thị mười triệu dân, trung tâm công nghiệp, sản xuất, thương mại dịch vụ lớn và quan trọng nhất cả nước phải và sẽ đi thế nào trên con đường sắp tới để phục hồi và tiếp tục sự sống như nó vốn có? Không thể sa vào cái vòng tròn luẩn quẩn để phải lặp lại điều đã trải qua, con đường sắp tới phải là một cách tiếp cận mới trước mọi vấn đề, mọi tình huống của đời sống mà người ta gọi là “bình thường mới”.

Mong sao, thành phố buổi sáng là những ban mai của những con người mạnh khỏe, của những hoạt động đời sống xuôi ngược, mỗi  người được lo toan, được đến chỗ làm, trẻ nhỏ được đến trường học và trở về nhà trong sự an toàn, bình yên...

Tùy bút của Tạ Mỹ Dương