Xem - Nghe - Đọc

Bolero - Thực và Mơ

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:48 - Chia sẻ
Bài tình ca sau này có tới hơn hai nghìn phiên bản khác nhau. Nó đã được người ta phối nhạc theo nhiều điệu nhảy như Tango, Chachacha, Ruhmba, Flamenco và được ghi nhận là bài hát thu âm nhiều nhất trên phát thanh, truyền hình vùng Nam Mỹ và Caribe. Tại Việt Nam là phiên bản quen thuộc qua lời dịch của Anh Bằng: "Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ/ Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ..."

Nhạc Bolero là nhạc nhẹ, trữ tình. Nó thường được biểu diễn trong một không gian hẹp - được gọi là thính phòng. 

Bolero ra đời ở Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ XVIII. Lúc đầu, người ta viết là để cho các điệu nhảy trong cung đình. Khác với các điệu múa của người châu Á - dùng tay làm điểm nhấn - các điệu nhảy của người châu Âu chủ yếu là dùng bước chân. Nhạc được viết ra để “đo” những bước đi “lãng đãng” trên sàn.

Bolero được chúng ta biết đến như ngày nay, chỉ khi nó được du nhập vào hòn đảo Cu Ba bé nhỏ vào cuối thế kỷ XIX. Bản Bolero đầu tiên được bàn tay vàng ghi ta Jose Sanchez sáng tác vo (không viết trên khuông nhạc) là bản “Tristeias” (Những nỗi buồn, 1885).  Kể từ đó, Bolero được phổ biến khắp Trung và Nam Mỹ.

Sau này Bolero tạo nên dòng chảy êm đềm, lắng sâu trên khắp thế giới, nhờ sáng tác của nhiều nhạc sỹ, trong đó nổi lên là Gonzalo Roig với nhạc phẩm “Quiereme Mucho” (1931); các nhạc phẩm của Perdia viết 1939; nhạc phẩm “Besame Mucho” (1941) của Consuelo Velazquez. Đặc biệt là nhạc phẩm “Historea de un Amor” (Câu chuyện tình yêu) của nhạc sỹ - doanh nhân Carlos Eleta Almaran (1918 - 2013). Anh em nhà Almaran người Panama (gốc Tây Ban Nha) kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông. Ngoài giờ làm việc, Carlos dành nhiều thời gian cho sáng tác âm nhạc. Bản nhạc tình này là một câu chuyện kể mang tính sử ca, đượm màu đau thương, ai oán về số phận nghiệt ngã của một đôi uyên ương. Đó là cảm xúc sâu đậm, chân thành của Carlos trước cảnh chia lìa âm dương của vợ chồng người em trai. Năm 1955, người em dâu của Carlos ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại nỗi đau cùng cực trong tim người chồng ở lại. Xúc động trước cảnh tượng bi thương, cô đơn và khắc khoải đó, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, Carlos đã viết thành công một tác phẩm Bolero kinh điển, mang dấu ấn đậm tính tình yêu nhân loại. 

Bài tình ca sau này có tới hơn hai nghìn phiên bản khác nhau. Nó đã được người ta phối nhạc theo nhiều điệu nhảy như Tango, Chachacha, Ruhmba, Flamenco và được ghi nhận là bài hát thu âm nhiều nhất trên phát thanh, truyền hình vùng Nam Mỹ và Caribe. Tại Việt Nam là phiên bản quen thuộc qua lời dịch của Anh Bằng:

"Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy tuyệt như mơ

Chuyện tình yêu đôi ta ngày ấy đẹp như thơ...

Và trần gian thênh thang chỉ có ta

Mình cho nhau yêu thương rồi xót xa

Rồi chia ly rồi đến phôi pha

Kỷ niệm ơi đừng chết trong ta..."

Một Bolero nữa làm “nghiêng nước nghiêng thành” trong tôi là bản "Bolero" của nhạc sỹ người Pháp Maurice Ravel (1875 - 1937). Cảm hứng với tác phẩm này, tôi đặt tên cho nó là “Đám rước Thánh”. Mặc dù tựa đề của nó là "Bolero" nhưng lại chẳng dính dáng gì đến các ca sỹ hát Bolero cả. Đó là một tác phẩm giao hưởng được nhà hát vũ kịch ballet đặt hàng và Ravel sáng tác chỉ mang tính thử nghiệm vào năm 1928. Nhưng bất ngờ nó đã trở thành một hiện tượng âm nhạc và nổi tiếng khắp thế giới. Có thể nói rằng, cứ khoảng 10 phút ở chỗ nào đó trên trái đất, người ta lại chơi “Bolero” một lần. Đến 1994, "Bolero” đứng đầu thế giới về thu nhập bản quyền.

Toàn bộ “Bolero” chỉ đơn giản có hai giai điệu cho suốt 17 phút biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng. Các giai điệu được chơi lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhạc cụ được huy động ngày càng nhiều, âm lượng ngày càng tăng dần đến ám ảnh người nghe.

Xuất thân từ một nhạc công giao hưởng, Ravel hiểu rất rõ chức năng nhiệm vụ của các loại nhạc cụ, do vậy ông đã để cho hai bộ Gỗ và bộ Đồng thay phiên nhau chơi Solo cho từng chu kỳ lặp đi lặp lại của các tiểu đoạn giai điệu. Bộ Dây đóng vai trò then chốt, nền tảng trong giao hưởng, tự mình nó có thể đảm nhận cho toàn bộ hòa thanh, thì lần này lại được ông dùng như một dàn đệm nền. Trống “Tom” với nhịp hành khúc cũng được gõ nhẹ tạo “phông” cho suốt cuộc chơi.

Thoạt đầu của “Bolero” là một buổi sáng sớm mai, bình minh từ từ dâng lên hé rạng chân trời. Người ta nghe thấy từ xa, văng vẳng đâu đó, tiếng trống nhỏ nhẹ từng nhịp - thanh âm nghe căng, ròn. Tiếp ngay sau đó là âm thanh sáo (Flute) với giai điệu nhẹ nhàng, du dương trầm bổng. Sang nhịp sau, vai trò của Solo trong giao hưởng được thay bằng Clarinette, rồi tới Basson và cứ như vậy, trong khoảng năm phút, các thành viên trong bộ Gỗ được thay phiên nhau dẫn dắt dàn nhạc. Những bộ khác phụ họa theo được chơi rất chừng mực - từ Violon đến Contrebasse và đàn thụ cầm (Harpe) được bật rất nhẹ; Trompette được bịt loa để giảm âm; trống được gõ nhẹ ở phần da sát tang.

Sang phút thứ sáu, khi “Đám rước Thánh” đã hiện ra sau lớp sương mù thì âm lượng được tăng dần với dàn trình diễn Solo của các thành viên trong bộ Đồng. Thoạt tiên là tiếng của Trompette. Sau khi đã đi hết chặng đường giai điệu của mình, nó nhường vai trò dẫn dắt này cho Trombone và cứ như vậy, tiếp tục sang Cor. 

Từ phút thứ mười một trở đi là sự pha trộn biểu diễn Solo cho cả hai bộ Gỗ và Đồng. Chúng thay phiên nhau dẫn dắt "đội hình" âm thanh. Tất cả các nhạc cụ trong giao hưởng được chơi ở âm lượng trung bình và sau đó, theo thời gian đều đặn, âm lượng liên tục tăng dần. Bây giờ người ta đã “thấy” khá rõ đoàn người đang đi tới. Họ rước kiệu và những lá cờ thánh phấp phới bay phía trước.

Sang phút thứ 16, tất cả các nhạc công chơi như “nhập đồng”. Họ cống hiến hết mình, phát huy hết vai trò thần thánh của các loại âm thanh, cao thấp, ngắn dài khác nhau giống như các dòng sông cuộn chảy, đang hoà chung vào một biển lớn...

Sau cùng, còn lại những giây phút ngắn ngủi cho kết thúc: Trống lớn Timpani giáng những đòn sấm sét; Contrebasse kéo tưởng như đứt dây; Tuba thổi hết âm lượng và Symbal (thanh la, chũm choẹ) đập kinh thiên động địa, đầy uy lực huyền bí. Lúc này, người ta đã thấy rõ đám rước câm lặng đi ngang ngay trước mặt mình, với những khuôn mặt ngoan đạo, nhẫn nhịn, thành kính và đầy bí ẩn.

Sau những âm thanh kinh hoàng ấy, người ta trở lại với thực tại bằng một suy ngẫm mung lung: Thực hay là mơ?

Nguyễn Công Tiến