|
Mở đầu phiên chất vấn trực tiếp Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn: Năm 2009, Chính phủ đề nghị bội chi NSNN lên 7%, cộng với 145 ngàn tỷ đồng từ gói kích cầu khoảng 9% GDP. Như vậy, bội chi NSNN lên đến 16% có nguy hiểm tới an ninh tài chính quốc gia hay không?
Từng giữ chức Bộ trưởng Bộ tài chính hơn 10 năm, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hơn ai hết là người nắm chắc hệ luỵ của vấn đề bội chi ngân sách. Ông khẳng định: Đã bội chi là nguy hiểm. Còn bội chi là còn mất cân đối (ngân sách). “Nhưng bội chi cũng có mặt tích cực của nó”- Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cho rằng: Quốc hội đã đồng ý bội chi ở mức hợp lý, trong mức an toàn tài chính quốc gia, cho phép vay để đầu tư phát triển. Vay mà làm ăn được thì tốt. Còn vay mà không trả nợ được, làm mất cân đối thì gay, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chúng ta điều chỉnh để định hướng điều hành, đạt mục tiêu cơ bản là đảm bảo tăng trưởng chống suy giảm, đảm bảo an sinh xã hội chống lạm phát. Bội chi nhưng phải giữ ở mức chấp nhận được…
Trước chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Thuyết vì sao, gần đây một số dự án thực hiện không được người dân đồng thuận, Phó Thủ tướng cho rằng: Có nhiều dự án có một số ý kiến, có dự án có nhiều ý kiến không đồng thuận. Qua trao đổi thì ngày càng rõ ra, kể cả ý kiến khác thì ngày càng đồng thuận. Còn ý kiến góp ý thì rất đúng. Đồng thuận xã hội là mục tiêu tiến tới. Những ý kiến khác vẫn còn thì cũng là chuyện bình thường. Có những dự án sai, Chính phủ phải sửa, tỉnh phải sửa. |
Vấn đề lãng phí, thất thoát đất đai công sản đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường chiều qua, 12.6, tiếp tục được ĐBQH đưa ra chất vấn Phó thủ tướng. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: Tính hình quản lý đất đai công sản còn nhiều bất cấp, có hàng trăm ngàn m2 đất sử dụng không đúng mục đích. Cục công sản chỉ đề nghị thu của 1 tổng công ty thôi đã có đến 31 cơ sở nhà, đất trị giá hàng ngàn tỷ đồng…Tới đây, Chính phủ có chủ trương, biện pháp gì để thu hồi đất, quản lý tài sản của Nhà nước?
Đánh giá tính hình lãng phí đất đai, công sản, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tính trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích là “khá nghiêm trọng”. Ông cho biết, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều biện pháp từng bước khắc phục và đã có tiến bộ nhưng vẫn là tồn tại khá nghiêm trọng.
Để giải quyết tình trạng này, Phó thủ tưóng cho biết, gần đây Thủ tướng đã có 6 chỉ thị chỉ đạo giải quyết. “Chúng ta phải quản lý theo luật pháp, nhất là Luật đất đai phải sửa lại một cách căn cơ. Tổ chức lực lượng kiểm soát ở trung ương, địa phương. Cần tổ chức giám sát tốt, trong đó nêu cao vai trò của HĐND, QH, để vừa quản lý tốt, vừa đề phòng tham nhũng”- Phó thủ tướng đề nghị..

Với vấn đề cải cách hành chính, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước tại phiên chất vấn kỳ này ít được các ĐBQH quan tâm đề cập. Tuy nhiên, chất vấn của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cũng đã gợi ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Sau khi nêu 3 ví dụ minh chứng cho tình trạng trên bảo dưới không nghe, Đai biểu Thuyết chất vấn: “Trách nhiệm của Thủ tướng, của Chính phủ để tồn tại tình trạng trên bảo dưới không nghe, bảo A làm B cần phải xử lý như thế nào?”
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bình luận: Chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của QH, HĐND luôn được nhân dân hưởng ứng, đồng tình, ủng hộ, đồng thuận. Như vậy là, trên bảo dưới nghe đấy chứ! Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Trong quản lý nền hành chính này có nhiều điểm trục trặc. Có nguyên nhân cụ thể của nó nhưng chưa được xử lý tốt. Thủ tướng Chỉnh phủ và các thành viên Chính phủ luôn làm hết sức mình, cố gắng làm tốt vấn đề này”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Thẳng thắn nhận thiếu sót, không né tránh, đùn đẩy Qua hai ngày rưỡi tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, một kỳ chất vấn có thể nói là tiếp tục có những đổi mới, cải tiến, tương đối sâu đậm và có chiều sâu. Với 255 chất vấn bằng văn bản của 125 đại biểu ở 50 đoàn đại biểu và 106 lượt ý kiến trong số 148 đại biểu đăng ký chất vấn, trao đổi trực tiếp tại hội trường đã nói lên quy mô của phiên chất vấn. Nội dung của chất vấn đã đề cập đến những vấn đề thời sự nóng hổi, bức xúc của thực tiễn cuộc sống nếu không nói là bức xúc nhất, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vừa cụ thể, vừa bao quát mang tầm vóc quốc gia. Qua cọ xát, một số vấn đề lớn, cơ bản đã được làm rõ thêm ở nhiều góc độ, giúp chúng ta hiểu sâu hơn từ trong thực chất của vấn đề, nguyên nhân của vấn đề, thấy rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn và cả người chất vấn. Từ đó tìm ra các giải pháp góp phần thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị, từng bước khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm và đây chính là mục đích, yêu cầu cao nhất, bao trùm chất trong hoạt động chất vấn của QH chúng ta. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm bắt sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri và nghiên cứu khá sâu để có những câu hỏi sắc sảo và theo sát các vấn đề thảo luận để trao đổi, tranh luận đi đến cùng. Nhiều vị bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng để trả lời một cách nghiêm túc chân thành, thẳng thắn nhận thiếu sót, trách nhiệm; không né tránh, đùn đẩy. Chất vấn theo nhóm vấn đề rõ nét hơn, bước đầu khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải, việc báo cáo tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại phiên chất vấn là một nét mới của kỳ họp này góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hoạt động của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước. Nhìn một cách tổng thể, có thể nói phiên chất vấn tại kỳ họp này là có chất lượng, tiếp tục có bước đổi mới, cải tiến theo chiều sâu hơn, thực chất hơn được cử tri, nhân dân và dư luận đánh giá cao. |