Cùng đi có các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Đức Long; Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc; Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do; Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Thị Phương Lựu; Phó Chánh Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông Đồng Hải Hà; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Minh Sơn.

Đón Bộ trưởng và Đoàn có: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền; các Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim, Nguyễn Thị Minh Hằng, Nguyễn Sỹ Hào; cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các ban, phòng của Báo Đại biểu Nhân dân.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thân thiết gửi những tình cảm và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động đang công tác tại Báo Đại biểu Nhân dân.

Chia sẻ với cán bộ, lãnh đạo, phóng viên của Báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu nói: “Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo”; nhấn mạnh, hiện nay cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí và tạp chí, vì vậy, nếu không có sự khác biệt thì sẽ bị hòa chung vào với các tờ báo, tạp chí đó. Bộ trưởng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và "sự khác biệt" của mình, thông qua đó hướng tới tiếp cận rộng rãi hơn với nhiều độc giả.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một trong điểm mới thuận lợi cho công tác báo chí, truyền thông, đó là hiện nay đã có mục chi riêng dành cho công tác truyền thông, do đó hàng năm các cơ quan từ Trung ương, bộ, ngành đến các địa phương sẽ có một khoản ngân sách dành cho công tác này, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí trong vấn đề "đặt hàng". Bộ trưởng đề nghị Báo Đại biểu Nhân dân sớm hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành để Báo có thêm nguồn thu nhập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của một cơ quan báo chí đã cơ bản tự chủ kinh phí chi thường xuyên.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy các cơ quan báo chí có đặc thù vừa là đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, đặt hàng vừa hoạt động như một doanh nghiệp vì phải cạnh tranh với truyền thông xã hội và phải có thêm nguồn thu để chi trả cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, người lao động với mức lương cạnh tranh trên thị trường. Do đó, Bộ sẽ hình thành cơ chế, chính sách chung theo hướng này, và nếu áp dụng thành công thì sẽ rất tốt cho các cơ quan báo chí.

Nhấn mạnh, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, Bộ trưởng mong muốn Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải có kiến thức về công nghệ, sử dụng công nghệ để làm báo...

Thay mặt cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền trân trọng cảm ơn sự quan tâm, động viên và tình cảm trân quý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng luôn dành cho Báo. Đây là động lực để Báo tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, không ngừng nỗ lực, đổi mới, nâng cao chất lượng tờ báo, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.

Chia sẻ về một số kết quả Báo đã đạt được trong thời gian vừa qua, Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, Báo Đại biểu Nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác chuyển đổi số báo chí, song thực tiễn quá trình phát triển còn không ít khó khăn. Tổng Biên tập Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho tờ báo trong thời gian tới, trong đó có việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong báo chí.