Bỏ sót nhiều hành vi gây hậu quả nghiêm trọng

- Thứ Bảy, 06/04/2013, 08:34 - Chia sẻ
Dự thảo còn nhiều quy định chung chung, chưa bao quát hết hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng cũng như thẩm quyền xử phạt chưa hợp lý, chưa khả thi. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên, sáng 3.4 vừa qua.

Bỏ sót nhiều hành vi vi phạm

Mặc dù đã tiếp thu và bổ sung một số hành vi vi phạm, cũng như phân khúc các hành vi theo mức độ vi phạm gây ảnh hưởng tới môi trường, song không ít chuyên gia cho rằng, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên (bao gồm tài nguyên nước và khoáng sản) vẫn bỏ sót một số hành vi dễ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đơn cử như việc khai thác không đúng phương pháp đã được xác nhận trong dự án đầu tư, dự án khai thác. Hiện nay có khá nhiều tổ chức, cá nhân chỉ được khai thác hầm lò nhưng lại tiến hành khai thác lộ thiên cũng như kết hợp cả hai phương pháp này, mặc dù chưa được cho phép. Bên cạnh đó, quy định về giấy phép thăm dò khoáng sản đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm cho việc thực hiện đúng pháp luật của các chủ thể, song cũng không hiếm các trường hợp đã có giấy phép mà vẫn không thực hiện đúng. “Có giấy phép mà không thực hiện đúng quy định cũng chỉ là phù phép, là lá bùa để trốn tránh trách nhiệm mà thôi. Vì vậy cần phải phạt thật nặng, ngang với hành vi không có giấy phép” - Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.


Nguồn: api.gov.vn

Trong lĩnh vực tài nguyên nước, hành vi không tiến hành thu thập thông tin hoặc làm sai lệch thông tin điều tra cơ bản cũng rất nguy hiểm, không ít trường hợp sử dụng tài liệu thiết kế mà không tiến hành khảo sát, đo đạc và thu thập những thông tin cần thiết đã làm suy giảm chất lượng công trình gây ra những hậu quả khó lường. Rõ ràng, hành vi này cần có những chế tài xử phạt nghiêm song lại “vắng bóng” trong dự thảo này. “Thực tế cũng chỉ ra rằng, hoạt động khoan, thăm dò, tìm kiếm khoáng sản cũng rất dễ phát hiện các nguồn nước tự chảy, do đó hành vi phát hiện mà không khóa lại, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên nước cũng cần được bổ sung xử phạt” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Dự thảo dường như cũng “lãng quên” nguyên tắc xử phạt, một nội dung có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cho các quy định phạt đi theo khuôn khổ nhất định. Trên cơ sở đó, có thể áp dụng các biện pháp tăng nặng hay giảm nhẹ đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng được thực hiện nhiều lần. 

Còn mù mờ…

Không chỉ thiếu các quy định về hành vi vi phạm, dự thảo còn một số quy định khá mù mờ, khó hiểu khiến cho các tổ chức, cá nhân không dễ dàng nắm bắt liệu hành vi của mình có vi phạm hay không. Đơn cử như tại Điều 5, Khoản 2 có đoạn “trong trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân”. Rõ ràng, cách diễn đạt như vậy sẽ khiến các chủ thể bị xử phạt nhầm tưởng rằng, khi xử phạt tổ chức thì thẩm quyền của cơ quan quản lý gấp đôi so với khi xử phạt cá nhân, trong khi ý nghĩa của điều khoản này là cùng một hành vi, tổ chức sẽ phải chịu mức phạt gấp đôi so với cá nhân. Điều này cũng dễ dẫn tới tình trạng, các tổ chức vi phạm sẽ viện dẫn quy định này mà chấp nhận chịu phạt mặc dù hiểu rõ ý nghĩa của câu này. 

Điểm chưa phù hợp của dự thảo còn được thể hiện ngay tại Điều 1, Khoản 3 khi xác định vi phạm hành chính bao gồm cả “các vi phạm khác” trong lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng, không phải trường hợp nào cũng sử dụng “các vi phạm khác” để bao quát tất cả, bởi thực tế có những văn bản pháp luật sử dụng không phù hợp đặc biệt là về xử phạt vi phạm. Nếu như trong quá trình xây dựng văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn thì việc thêm vào câu “nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật” sẽ phù hợp nhưng trong dự thảo này nếu không xác định rõ hành vi vi phạm là gì thì không thể có chế tài xử phạt hành vi đó.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng thiếu tính khả thi khi lấy quy mô thăm dò làm căn cứ để xử phạt, bởi thực tế khi thăm dò đất, phải tiến hành khoan mới xác định được lưu lượng thăm dò là bao nhiêu. Trong khi đó, các Nghị định cũ lấy đường kính, chiều sâu lỗ khoan cũng như số lượng thăm dò làm căn cứ để xử phạt chứ không xử phạt theo lưu lượng công trình. Bên cạnh đó, quy định phạt tiền ngang nhau từ 20 triệu tới 30 triệu đối với cả hành vi thăm dò và hành vi khai thác cũng chưa hợp lý vì khoan thăm dò ít gây hậu quả hơn nhiều. Do đó, dự thảo cũng cần tách biệt hai hành vi này để quy định mức phạt cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Đại diện Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra rằng, phạt tiền “đối với các tổ chức tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước không đủ điều kiện, năng lực theo quy định” gây nên sự khó hiểu và vô hình trung chỉ ra rằng năng lực thẩm định của cơ quan nhà nước cấp giấy phép còn thấp. Bởi một tổ chức muốn tư vấn lập quy hoạch cần phải có giấy phép tức là được các cơ quan nhà nước thẩm định, đánh giá năng lực cũng như nếu muốn tiến hành thực hiện phải được một cơ quan nhà nước trực tiếp thuê. Thực chất quy định này là khi tiến hành lập quy hoạch, các tổ chức này mới không bố trí đủ điều kiện, năng lực. Điều này đòi hỏi cần phải cân nhắc, chỉnh sửa Dự thảo nhằm bảo đảm tính khả thi.      

Băn khoăn về thẩm quyền

Một trong những nội dung không thể thiếu trong dự thảo này là thẩm quyền xử phạt thuộc về chủ thể nào, song đây cũng là điểm còn nhiều băn khoăn. Đặc biệt, Điều 53, Khoản 2 dự thảo quy định về Chánh Thanh tra Sở TN-MT, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Giám đốc Sở ra quyết định thanh tra và thành lập đoàn thanh tra cũng có điểm chưa phù hợp với Luật Tài nguyên nước. Đơn cử như tại khoản 1 Điều 75 Luật Tài nguyên nước có quy định cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước cũng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Câu hỏi đặt ra là: vậy Cục Quản lý Tài nguyên nước có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra hay không?

Cùng với đó, một số cơ quan khác như Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm... cũng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại nghị định này thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Không ít chuyên gia băn khoăn, lĩnh vực “mình quản lý” ở đây là lĩnh vực nào? Rõ ràng nếu không viết cụ thể sẽ dẫn tới tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. “Cần phải làm rõ quy định nào thuộc Cảnh sát biển, thẩm quyền của Kiểm lâm trong văn bản này là gì?” - Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xuất phát từ tên của nghị định là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ tài nguyên, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo cần cân nhắc xem xét bỏ quy định tại Điều 55 về thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan khác. Bởi, một số cơ quan như thuế và hải quan không liên quan trực tiếp tới quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và thẩm quyền cũng đã được xác định trong nghị định xử phạt có liên quan đến thuế, hải quan.

Đỗ Quyên