Ngày 28.6, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Theo báo cáo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Tỉnh ủy (Khóa XII) đã ban hành Chương trình hành động số 25-NQ/TU, ngày 11.12.2013 về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ-TW, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 46 văn bản; ngành giáo dục và các huyện, thị, thành ủy đã ban hành hơn 100 văn bản.
Phát triển cả về số lượng và chất lượng
Sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Bình Thuận đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục không ngừng tăng lên, hệ thống giáo dục - đào tạo từ bậc học mầm non đến cao đẳng và đại học ngày càng được củng cố hoàn thiện.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 181 trường mầm non (trong đó 142 công lập, 39 trường tư thục); 239 trường Tiểu học (trong đó 238 trường công lập và 1 trường ngoài công lập); 130 trường THCS công lập; 28 trường THPT (trong đó 26 trường công lập, 1 trường chuyên và 2 trường ngoài công lập); 4 trung tâm GDTX thành phố; 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó 13 cơ sở công lâp và 11 cơ sở ngoài công lập); 1 trường Đại học.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, luôn được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay, đội ngũ giáo viên tại các trường THPT công lập bảo đảm 100% đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.
Xã hội hóa giáo dục, đào tạo được coi trọng, hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh về số lượng. Các địa phương đã tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phòng học mẫu giáo, bếp ăn ở những vùng khó khăn, tài trợ thiết bị phòng học, máy vi tính, máy chiếu, tivi,... với kinh phí hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng.
Công tác đào tạo từng bước gắn với thực tiễn đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh. Các trường, cơ sở đào tạo đã chủ động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; doanh nghiệp cùng tham gia giảng dạy hoặc tham gia xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo, tạo điều kiện hướng dẫn thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên; đưa giảng viên đi thực tập tại doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức hoạt động, phong trào nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thông qua các hình thức phù hợp. Mặt khác, thông qua các phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Mỗi cán bộ giáo dục, giáo viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, “nhân điển hình gương người tốt, việc tốt” đã định hướng giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như: chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học chưa đồng đều giữa các vùng, miền trong tỉnh; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn; ý thức tự học, tự rèn luyện còn mờ nhạt, chưa tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học; tỷ lệ bỏ học vẫn còn, nhất là ở bậc THPT. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên giữa các môn học vẫn còn ở một số trường học...
"Quyết tâm cao, nỗ lực lớn"
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh, cùng với khoa học và công nghệ, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Vì thế, “hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng thời gian tới phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đề ra nhiệm vụ và giải pháp có trọng tâm, trọng điểm và khả thi hơn, với lộ trình phù hợp nhằm đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt và phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nắm vững những nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW của Trung ương và Chương trình hành động số 25-NQ/TU,Kế hoạch số 159-KH/TU của tỉnh; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về đường lối, quan điểm, mục tiêu, quyết sách của tỉnh.
Bên cạnh đó, rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và bố trí, sắp xếp công việc phù hợp; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục đào tạo, dạy nghề theo hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, như: Cần ứng dụng chuyển đổi số vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm, có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng “ép” học thêm; bố trí, sắp xếp cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; có chính sách thu hút đội ngũ giáo viên giỏi về công tác tại tỉnh…