Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh tỉnh Bình Phước (Ban Chỉ đạo) vừa ban hành Công văn số 13/BCĐ về việc đề nghị tăng cường đấu tranh phòng chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người (30.7).
Ban Chỉ đạo đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, địa phương về phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người.
Xác định công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng ban ngành, đoàn thể, địa phương.
Tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống mua bán người, Ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn tỉnh, từ ngày 1.7 đến hết 30.9.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương... nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Các ban ngành, đoàn thể tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người trên địa bàn.
Chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa phương; tích cực đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng chống mua bán người (qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng...).