1. Giữ vững an ninh tổ quốc
Chủ động triển khai hàng chục phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến địa phương làm việc, công tác. Nắm chắc tình hình, nhận diện các nguy cơ đe dọa liên quan đến an ninh quốc gia để kịp thời tham mưu giải quyết dứt điểm, hiệu quả các vấn đề nổi lên, trong đó có vụ việc tồn đọng nhiều năm, không để phát sinh phức tạp, bảo đảm ANTT từ xa, từ sớm và ngay tại cơ sở.
Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát người nước ngoài trên địa bàn; phát hiện, điều tra, trục xuất gần 100 trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn 4 trường hợp chuẩn bị chuyển gần 7 tỷ đồng cho các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
2. Tội phạm về trật tự xã hội kéo giảm xuống 6,48%
Quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, huy động các lực lượng, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp; mở nhiều đợt ra quân cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nhằm phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm các loại tội phạm, nhất là triệt phá các băng, nhóm tội phạm, tội phạm nguy hiểm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Thành lập và phát huy hiệu quả của 135 tổ tuần tra liên quan từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ tuần tra vũ trang kết hợp tuần tra nghiệp vụ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm... Qua đó, đã kiểm soát hiệu quả nhiều loại tội phạm, không để băng, nhóm tội phạm hoạt động lộng hành, kiềm chế và kéo giảm 6,48% vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2023 (vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao), góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Duy trì nhịp độ thực hiện đề án 06 của Chính phủ và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Bộ giao trong năm 2024, nhất là công tác làm sạch dữ liệu chuyên ngành, cấp căn cước, tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cập nhật làm sạch dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính ngành công an, hướng đến mục tiêu phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và người dân.
Trong năm 2024, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt 98,86%, đạt chỉ tiêu Bộ giao từ 50% trở lên. Kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ 100% mức hài lòng trở lên; 100% nội dung lấy ý kiến giải quyết thủ tục hành chính trong các cơ quan, tổ chức đánh giá cao. Tham mưu xây dựng thí điểm 2 mô hình cải cách hành chính tại công an cấp xã trên địa bàn TP. Phan Thiết và mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn TP. Phan Thiết được UBND tỉnh công nhận và triển khai nhân rộng trên địa bàn.
4. Đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự là “điểm tựa” trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và quản lý chặt chẽ các loại đối tượng; kịp thời phát hiện, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu và tại cơ sở.
Lực lượng công an đã phát huy tối đa tinh thần “Toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm”, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ đã nhanh chóng điều tra, xác minh, truy xét, làm rõ đối tượng gây án, điển hình vụ đấu tranh truy xét rất nhanh vụ án giết người tại xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết) mà cả nạn nhân và hung thủ đều là người Nga; Truy xét nhanh và toàn diện, khởi tố gần như toàn bộ đối tượng liên quan đến vụ giết người, gây rối trật tự công cộng với rất đông đối tượng tham gia tại Tuy Phong; Truy xét và bắt giữ nhanh đối tượng cướp tiệm vàng tại Phan Thiết…
Xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thật sự là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự và tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh và quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an. Thành lập 691 tổ bảo vệ ANTT tại 100% thôn, khu phố với 2.434 thành viên. Cấp phát 530 gậy cao su cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng, Chứng chỉ quản lý công cụ hỗ trợ cho 100% người là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Huy động các nguồn lực tổ chức các chương trình, hoạt động thiện nguyện tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng; xây dựng hàng chục ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm tình thương”; huy động nguồn lực trong và ngoài lực lượng ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả bão Yagi… thể hiện truyền thống nhân văn, tương thân, tương ái và trách nhiệm với nhân dân, góp xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.
5. Xây dựng lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy chiến lược, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình; kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương các chủ trương, quyết sách, giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để bảo đảm ANTT, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin theo hướng tập trung, thống nhất, bảo đảm các đơn vị, bộ phận tham mưu tại công an các đơn vị, địa phương luôn giữ vai trò trung tâm trong hoạt động điều phối và tổ chức phối hợp thực hiện nhiệm vụ, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy. Chuyển đổi trạng thái từ thủ công, truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, triển khai các mặt công tác nghiệp vụ.
Tiếp tục đẩy mạnh bố trí, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; duy trì ổn định tỷ lệ biên chế ở 3 cấp công an gắn với triển khai điều động cán bộ về công an cấp dưới theo chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về bố trí tỉ lệ biên chế 3 cấp (cấp tỉnh 30%, cấp huyện 30%, cấp xã 40%).
Quan tâm tăng cường về biên chế cho công an cấp xã; ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho lực lượng công an xã, thị trấn đúng định hướng, chỉ đạo của Bộ Công an; bố trí đủ số lượng điều tra viên tại công an cấp xã... Đến nay, đã có 88/93 công an xã được đầu tư xây dựng (39 công an xã đã có trụ sở làm việc mới, 49 công an xã đang xây dựng trụ sở làm việc); 5/93 công an xã đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và khởi công trong năm 2024; phấn đấu đến hết quý II/2025, 100% công an xã có trụ sở độc lập, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu và nơi ăn, nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ.