
Chỉ nghe nói có đoàn họa sĩ lên Khuổi Trang, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập Hoàng Văn Dềnh từ tối hôm trước đã cho anh em lên núi bắt dê về nấu thắng cố, rồi huy động gia đình chị Sông nấu mèn mén đón tiếp. Nơi núi cao, lạnh thấu xương, mây bay ngang mặt đường lầy trơn mà chủ nhà xiết bao hiếu khách, đầy thịnh tình vì khách.
Khuổi Trang có tới 65% dân số là dân tộc Mông, còn lại dân tộc Nùng ở Hoàng Su Phì di cư lên đây. Bản có 6 ngôi nhà sàn của người Nùng, còn lại toàn nhà người Mông ở lưng chừng núi, thấp lúp xúp, củi dựng quanh nhà, dê và gà chạy quanh núi. Tuy còn nghèo nhưng lòng biết ơn bà con vẫn nhớ kể lại: “Tết năm trước dịch Covid-19, có đoàn 80 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lên đây thăm khám và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào. Đoàn bác sĩ còn dành tặng mỗi nhà một túi gạo và 1 triệu đồng. 76 hộ dân đều có quà nên sung sướng lắm”.
Chi bộ Khuổi Trang có 13 đảng viên, Bí thư là Giàng Seo Liàng. Anh bí thư trẻ cứ bắt tôi chú ý cái tên Liàng, phải có thêm chữ i ngắn đứng trước chữ a mới đúng tên anh. Giàng Seo Liàng cho biết, anh luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con dân bản. Ở đây không có trộm cắp, không ai mắc nghiện, cũng không đánh cãi nhau, mà chỉ yêu thương.
Chị Giàng Thị Sông xay ngô suốt đêm, sáng ra nấu mèn mén mời đoàn khách. Khách ngồi ăn nơi chạm núi, mây là là bay ngang người. Rồi người dân trong bản mặc áo mới lên đỉnh núi đứng xem khách dưới xuôi lên. Họ tò mò với đôi giày bong đế bị buộc dây đay của tôi. “Sao lại không đi ủng nớ? Giầy hỏng, bong đế rồi, quẳng đi thôi. Nhưng ở đây không có chợ mua dép nhựa đâu”.
Bản này không có chợ, chỉ có người mang hàng lên núi bán, nào xà phòng, dầu hỏa và xăng nữa để bán cho người đi tuốt thêm đay, giao đay ở cách bản hàng chục km bằng xe máy. Đồng bào Suối Trăng sống bằng làm nương rẫy, chăn nuôi và tự dệt vải may áo, váy. Mới hay, những bản, xã nghèo khó vùng cao nhất của huyện Lâm Bình vẫn chưa hề bị đánh tráo, hay đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trẻ con ngày Tết chơi cù (quay), pháo đất. Giàng Minh Thành đang múa khèn cho em gái học lớp 12 đứng xem, một đứa nhỏ hơn lớp 4 cũng quay người theo anh. Cây khèn là hồn cốt của người Mông ở núi, giãi bày về mùa cơm mới, về việc đi hái tre nứa... Niềm vui của họ là mùa gặt đầy sân lúa nương, ngô treo gác bếp. Những tải lúa xếp cao trong nhà là ấm no, và củi dựng quanh nhà là đủ ấm mùa đông.
Chị Lò Thị Mỵ, dân tộc Mông, mặc bộ váy áo đẹp nhất lên tham gia nấu mèn mén, nấu thắng cố, rồi xem các họa sĩ dưới xuôi lên đây ký họa tranh. Mỵ mới có chuyện buồn lắm, người chồng đi bừa chuyển thửa bị ngã, vừa mất. Một mình Mỵ phải đi cày bừa, thay chồng nuôi hai đứa con trai. Ánh mắt Mỵ đen thăm thẳm buồn: “Vì cái nóc nhà mất rồi nên Mỵ phải đứng ra chèo chống thôi. Em còn đi hái bông chít, làm chổi chít cũng kiếm thêm 100.000 đồng một ngày để lo cho con học hành…”.
Với cô giáo Vàng Thị Xúa, dân tộc Mông, dạy trẻ là nghề cô yêu thích nhất, ngày ngày dạy chữ, dạy múa hát cho trò, rồi chăm sóc trẻ khi ốm đau, cũng không khó khi mình yêu nghề. Có bố mẹ đi làm nương từ sáng, đem con đến gửi cô giáo, dặn: “Cô nhớ cho con bé uống thuốc và ăn cháo nhé, tôi đi làm đây”, rồi tối muộn mới đến nhà cô đón con. Nếu tháng nào không kiếm đủ tiền đóng học phí cho con, “thì cũng nhờ cô giáo nhớ nộp hộ nhé, khi nào có tiền nhà nước cho thì sẽ trả cho cô giáo”. Dân bản tốt bụng và hồn nhiên, cô giáo chỉ biết cười.
Đến Suối Trăng mùa dịch Covid nhưng trong lòng tôi rất bình an. Hình như dịch họa ở dưới chân núi. Tình người ở nơi Suối Trăng đẫm trăng và đẫm mây. Tôi đã ước gì đám mây mù sớm tan để lộ ra những khoảng trời đầy ánh nắng, sáng. Sẽ có những nhà hảo tâm, những doanh nghiệp nghĩa hiệp biết đến nơi vùng núi cao ngất ngư này nhiều hơn. Họ có thể xây trường học, trạm xá, và xây cả chợ cho bà con để vùng núi Suối Trăng đẹp thực sự không còn cơ hàn nữa. Đời sống của bà con sẽ ấm dần lên như nắng sớm; để sự trăn trở cần xóa đói giảm nghèo trở thành hiện thực trong ngày không xa của huyện Lâm Bình.