
Ở Việt Nam, dân viết lách thường kháo nhau, nhà văn Việt Nam đương đại dường như chỉ có 2 người sống được và sống tốt bằng nghề viết, đó là Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư. Sức ảnh hưởng của hai tác giả nói trên không chỉ dừng lại ở văn chương mà còn lan ra nhiều lãnh địa khác, như điện ảnh hay sân khấu. Truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh chuyển thể thành phim hay trở thành hiện tượng phòng vé, còn truyện vừa và truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường tạo ra nhiều tranh luận sôi nổi khi được chuyển thể thành phim hay kịch nói.
Hơn 10 năm về trước, "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tạo được tiếng vang nhất định tại phòng vé, dù cũng đưa ra nhiều cuộc tranh luận về cách chuyển thể điện ảnh và thủ pháp dàn dựng. "Nước 2030" (từ truyện ngắn "Nước như nước mắt") của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh từng được chọn trình chiếu tại hạng mục Panorama ở LHP Berlin năm 2014. Gần hơn là "Tro tàn rực rỡ", đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, có vẻ là một ứng cử viên khá tiềm năng tại LHP Venice vào tháng 9 năm nay hoặc LHP Berlin năm sau.
Một truyện ngắn nữa của nữ nhà văn Cà Mau này vừa được chuyển thể thành phim là "Biến mất ở Thư Viên" do Trịnh Đình Lê Minh đạo diễn. Truyện ngắn này được rút trong tập truyện ngắn "Đảo" của Nguyễn Ngọc Tư in vài năm trước và được tái bản nhiều lần. Giống như lời giới thiệu của NXB Trẻ: Với "Đảo", dường như Nguyễn Ngọc Tư đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng để tìm đến vùng hỗn mang tâm trí con người, "Biến mất ở Thư Viên" làm tôi khá ngạc nhiên. Nó thể hiện được sự khác biệt nhất định với những truyện ngắn đậm chất hiện thực miền Tây mà chị thường viết trước đây.
Với dung lượng rất ngắn, chỉ khoảng hơn 1.000 từ, Nguyễn Ngọc Tư đã tạo được một không khí có hơi hướng kỳ bí và thậm chí… siêu thực, khiến tôi có chút liên tưởng đến tiểu thuyết "Người tình Sputnik" của nhà văn Haruki Murakami.
Truyện ngắn này kể về một cuộc biến mất của một nhân vật nam tên Sinh, trong một buổi chiều trú mưa ở nhà sách Thư Viên, để lại người bạn gái của anh ta là Hảo ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến anh ta biến mất không tăm tích. Nhiều năm về sau, cho dù đã có một anh chàng người yêu nhỏ hơn tuổi và say mê mình, Hảo vẫn bị ám ảnh và không thể lý giải được sự biến mất của Sinh, khiến cô công nhân này phải tìm đến Thư Viên hàng tuần, như để tìm một lời giải đáp khả dĩ nào đó, ví dụ như, anh ta… biến mất vào trang sách chẳng hạn.
Chuyển thể từ truyện ngắn thành phim thường không bao giờ là một việc dễ dàng. Đặc biệt là ở những câu chuyện tình thầm, suy tưởng nội tâm, mà ở đó cảm xúc được gửi vào những chi tiết rất nhỏ, rất tinh tế trong từng câu, từng chữ như "Biến mất ở Thư Viên", thì việc điện ảnh hóa những cảm xúc như vậy còn khó khăn hơn. Hơn nữa, khác với ba bộ phim chuyển thể trước với bối cảnh và không gian văn hóa đậm đặc vùng sông nước miền Tây, bộ phim mới này lại diễn ra ở không gian đô thị, nơi sự biến mất của một nhân vật dường như có gửi gắm một ẩn dụ nào đó.
Do đó, việc chuyển thể truyện ngắn này thành bộ phim ngắn điện ảnh, tôi nghĩ cũng là một thách thức khá lớn với ê kíp thực hiện, đặc biệt là làm sao tạo dựng được không khí bí ẩn, mơ hồ về sự biến mất kỳ lạ của một gã đàn ông ở nhà sách Thư Viên. Nhưng tôi vẫn tin rằng, Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn của bộ phim, người đã có 2 phim dài chiếu rạp và một số phim ngắn trước đó, có đủ bản lĩnh để giải bài toán khó này.