Triển lãm trưng bày khoảng 100 hình ảnh, gồm: bản đồ; thư tịch cổ; tư liệu, tài liệu chứng minh việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; nét đẹp của thiên nhiên, con người với biển cả.
Triển lãm còn mang đến 50 hiện vật từ các di tích cảng thị sơ khai Cần Giờ, di tích lịch sử Côn Đảo, tàu đắm Cù Lao Chàm, tàu đắm Cà Mau; vật dụng tùy thân của những người lính Lý Sơn canh giữ Hoàng Sa; mô hình các loại thuyền trong lịch sử…
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30.9, nhằm góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tăng cường giáo dục, tuyên truyền kiến thức về lịch sử, địa chính trị chính thống, có giá trị pháp lý quốc tế đối với vấn đề biển đảo ở nước ta đến viên chức, người lao động và sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
TS. Lê Thị Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, cho biết, biển và hải đảo có vai trò quan trọng đối với nước ta. Đó là động lực phát triển kinh tế, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền lãnh thổ.
“Tôi hy vọng triển lãm sẽ giúp giảng viên, cán bộ, sinh viên nhà trường trau dồi kiến thức về biển đảo nước nhà, từ đó nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc” - TS. Lê Thị Ngọc Điệp nhấn mạnh.