Biến áp lực thành động lực

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 06:07 - Chia sẻ
Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết, ông cảm thấy khá áp lực, áp lực này đến từ nhiều phía. Đó là sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Đó còn là áp lực từ chính bản thân vì ông tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao phó. Đây là chia sẻ rất thật của tân Bộ trưởng khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu lĩnh vực luôn được coi là "nóng".

Trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, giáo dục là vấn đề luôn được các đại biểu đặt ra trong các kỳ họp. Vì thế, dù muốn hay không thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trở thành một gương mặt quen thuộc, xuất hiện trong nhiều phiên chất vấn.

Ngay tại Kỳ họp thứ Hai, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã được lựa chọn là 1 trong 4 bộ trưởng đăng đàn. Và đến Kỳ họp thứ Năm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục ngồi ghế “nóng” trả lời chất vấn về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, công tác quản lý, giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh. Kỳ họp thứ Sáu, khi Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo một lần nữa trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đến Kỳ họp thứ Mười, khi Quốc hội thực hiện phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đăng đàn.

Không chỉ trực tiếp ngồi ghế “nóng”, trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, "tư lệnh" ngành giáo dục nhiều lần được mời giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, để “chia lửa” với các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Tần suất xuất hiện khá dày trên diễn đàn Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo so với một số bộ trưởng, trưởng ngành khác cho thấy sức nóng của giáo dục nhiệm kỳ qua. “Nóng” bởi chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi; biên chế và chế độ chính sách cho giáo viên chưa thực sự hợp lý, còn những tâm tư của giáo viên đứng lớp. Đó là còn “sạn” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 mới; là sai phạm xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân đối với ngành giáo dục…

Tuy vậy, chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của ngành giáo dục cũng như quyết tâm của Bộ trưởng tiền nhiệm trong cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Như trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Mười một vừa qua, Chính phủ đã nhận định, giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả cấp học. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đòi hỏi ngành giáo dục phải nỗ lực, đổi mới nhiều hơn nữa, điều này phải bắt đầu từ quyết tâm của Bộ trưởng.

Tiếp nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực được người dân, dư luận đặc biệt quan tâm, tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cảm thấy “áp lực từ nhiều phía” cũng là điều dễ hiểu. Điều này cho thấy, trách nhiệm rất lớn của một "tư lệnh" ngành trước những vấn đề mà mình sẽ phải đảm trách. Phía trước ông còn nhiều việc phải làm. Đó là triển khai Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; chương trình giáo dục phổ thông mới; quy hoạch mạng lưới các trường đại học; khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên đối với mỗi cấp học, chất lượng đào tạo đầu ra đáp ứng yêu cầu thị trường. Trước mắt, Bộ trưởng phải chỉ đạo sát sao để bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 nghiêm túc, không xảy ra sai sót, gian lận như từng xảy ra.

Vạn sự khởi đầu nan. Mong rằng, những “áp lực từ nhiều phía”, nhất là áp lực phải hoàn thành tốt trọng trách được giao, sớm được Bộ trưởng biến thành động lực, bằng những giải pháp, hành động cụ thể, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, người dân và xã hội.

Hà An