Phát biểu khai mạc hội nghị, ĐBQH Khoá XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, ngay từ khi mới thành lập, Giám đốc bệnh viện đầu tiên - GS Đào Văn Long đã chủ trương triển khai cơ sở theo mô hình tương đối đặc biệt - tự chủ hoàn toàn.
Do vậy, đơn vị được chủ động trong nhiều khâu và nhiều công việc; cho đến nay, bệnh viện đã được cấp phép sử dụng ở quy mô 1000 giường bệnh và được ngành y tế tin tưởng giao nhiệm vụ trong nhiều dự án, chương trình.
Tuy nhiên, thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhà trường và bệnh viện tự hào nhất vẫn việc triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh sau 16 năm thành lập. Nhờ đó, ngoài số lượng bệnh nhận đến khám, chữa bệnh trực tiếp, việc kết nối và hỗ trợ tất cả các bệnh viện vệ tinh trọng cả nước đã giúp cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tại địa phương đó.
Đề cập đền Luật Khám, chữa bệnh chuẩn bị có hiệu lực vào ngày1.1.2024 sắp tới, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tất cả các bác sĩ muốn giữ được giấy phép hành nghề sẽ phải có số lượng tiết CME đủ dài, và phải được đào tạo liên tục trong quãng thời gian nhất định. Tuy nhiên, những khu vực vùng sâu, vùng xa, thậm chí ngay Hà Nội để người bác sĩ y học phải lấy một đến hai tiết CME là vô cùng khó khăn và đặc biệt tốn kém nguồn lực.
“Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, đại diện cho ngành y Thủ đô, tôi rất trăn trở và đã triển khai việc đào tạo CME online miễn phí từ tháng 6/2023 đến nay. Theo thống kê chưa đầy đủ thì sau 6 tháng, đã có hơn 1000 chứng chỉ CME được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trao hoàn toàn miễn phí cho các bác sĩ thông qua hệ thống công nghệ thông tin, hoặc trực tiếp,” PGS Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề.
“Đây là định hướng mà đơn vị dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai mạnh, và không chỉ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mô hình này đến tất cả các bệnh viện trong cả nước, nhất là bệnh viện cấp tỉnh, huyện. Tôi cho rằng thay đổi trong phương pháp đào tạo, học tập của các bác sỹ đã ra trường là cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế nhanh và tốt nhất!”
Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội thông qua sắp tới có quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa với 2 nội dung: Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề với người bệnh tức là giữa bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… với người bệnh và hội chẩn trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Loại hình dịch vụ khám chữa bệnh từ xa được thúc đẩy để hỗ trợ khả năng phục hồi của hệ thống y tế và rút ngắn quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới sau COVID-19.
Sau khi được Bộ thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa năm 2020, đến nay Bệnh viện Đại học Y đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả hoạt động chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội diễn ra hàng tuần.
Đặc biệt, hội chẩn từ xa đã và mang lại hiệu quả thiết thực, cứu sống và điều trị nhiều bệnh nhân nặng, thông qua các ca bệnh được phân tích, trao đổi giúp các bác sĩ tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời nâng cao uy tín của các bệnh viện tuyến dưới, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Riêng trong năm 2023, gần 2500 ca bệnh đã được hội chẩn tại hơn 150 bệnh viện tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang,Thái Bình… đăng ký tham gia hội chẩn trực tuyến và đào tạo trực tuyến.
Cũng tại hội nghị, đại diện bệnh viện các tuyến tại địa phương đã tham gia tham luận vào công tác phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viên trung ương khác trong khám chữa bệnh và đào tạo từ xa.