Xanh hóa khu công nghiệp

- Thứ Ba, 21/02/2023, 10:57 - Chia sẻ

Bế cháu ngoại đi xem dàn máy ủi san lấp mặt bằng xây khu công nghiệp Hải Long (Tiền Hải, Thái Bình), bà Trần Thị Nhung háo hức chờ ngày đưa cháu vào chơi trong công viên cây xanh của khu công nghiệp này.

Những tín hiệu lạc quan

Những ngày đầu tháng 2, bất động sản KCN đón tín hiệu tích cực từ các dự án xanh.

Gần 2 tuần trước, ngày 10.2, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Singapore, đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex IDC (Việt Nam) và Công ty Sembcorp Development LTD (Singapore) hợp tác hình thành và phát triển 5 khu công nghiệp (KCN) theo định hướng xanh, thông minh và bền vững tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Thời gian thực hiện trong vòng 3 năm tới.

Ở trong nước, sau đó 5 ngày, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hải Long (Tiền Hải, Thái Bình) do Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh làm chủ đầu tư chính thức động thổ.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng; tiến độ thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày Nhà nước bàn giao đất. Mục tiêu, như lời ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty, thì sẽ xây dựng KCN theo hướng xanh, bền vững, như đúng tôn chỉ mà doanh nghiệp này đã thực hiện trong suốt hơn 10 năm qua tại KCN Bảo Minh (Nam Định).

Xanh hóa khu công nghiệp -0
Dự án KCN Hải Long được chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng theo hướng xanh

Những dự án mới và sắp triển khai tới đây mang đến những dự cảm lạc quan cho tiến trình xanh hóa KCN hiện nay. Đây là xu thế tất yếu để góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cụ thể hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050, bảo đảm phát triển bền vững.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước có hơn 400 KCN đang hoạt động. Song, số lượng các KCN theo hướng xanh, sinh thái vẫn chưa phổ biến. Trong giai đoạn 2015 – 2019, cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Các doanh nghiệp này đã thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái; 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong việc đẩy mạnh quá trình xanh hóa và phát triển bền vững đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hoá thành những văn bản quan trọng. Song, mục tiêu này không dễ dàng.

Mục tiêu không dễ dàng

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh, để phát triển một KCN xanh, đa năng, trước tiên phải phát triển hạ tầng KCN thích ứng với đòi hỏi toàn cầu -  đạt chuẩn mực về môi trường xanh, sạch, đặc biệt là hệ thống nước cấp, nước thải tuân thủ luật pháp cũng như yêu cầu của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, đòi hỏi của các nhãn hàng.

Bên cạnh đó, KCN xanh phải dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng bảo đảm kết nối về giao thông. “Xanh không chỉ là cây xanh mà còn là nguồn lực phải thích ứng được, có trách nhiệm, vận hành được KCN xanh, đặc biệt là phải truyền tải được tư tưởng xanh vào các nhà đầu tư thứ cấp để họ “không phải muốn làm gì thì làm”.

Đầu tư vào KCN xanh “không có con đường nào khác là phải có tiềm lực tài chính” để xây dựng hạ tầng, bảo đảm gắn kết cuộc sống của người lao động, tạo công ăn việc làm trên cơ sở giải pháp gắn kết ly nông với công nghiệp.

Những tiêu chuẩn về KCN xanh, theo ông Giang, mấu chốt không chỉ cho công nhân hưởng lợi mà còn cho người dân sống xung quanh. Để làm được điều đó, những chủ đầu tư KCN phải có sự chuẩn bị sẵn sàng. “Một năm trước, khi quyết định sẽ đầu tư hạ tầng KCN Hải Long, chúng tôi đã phải chuẩn bị sẵn giống cây trồng thích hợp cho vùng này”, ông Giang nêu dẫn chứng.

Sự sẵn sàng của nhà đầu tư vẫn chưa đủ mà cần hệ thống cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư vào KCN xanh, KCN sinh thái.

Tại một hội thảo bàn về giải pháp phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam cách đây chưa lâu, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, cần bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái, công nghiệp xanh.

Xanh hóa khu công nghiệp -0
Bà Trần Thị Nhung mong chờ ngày đưa cháu vào công viên cây xanh trong KCN Hải Long đạp xe mỗi chiều

Dự án KCN Hải Long đã động thổ. Cũng như rất nhiều người dân ở thôn Hải Long, xã Đông Xuyên – một trong 3 xã nằm trong vùng dự án, bà Trần Thị Nhung bế đứa cháu ngoại 2 tuổi ra xem máy ủi bắt đầu san lấp mặt bằng trên cánh đồng trước đây thường xuyên nhiễm mặn. “Nghe nói người ta sẽ làm công viên viên cây xanh trong KCN và mở cửa để người dân tự do đi lại. Lúc đó, bà cháu tôi sẽ ra đây đạp xe mỗi chiều”, bà nói.

Đan Thanh
#