Gỡ nút thắt giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững

- Thứ Sáu, 21/04/2023, 15:26 - Chia sẻ

Ngày 21.4, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2022. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, đây là hoạt động thường niên, uy tín. Những năm qua, Hội thảo đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và nước. 

z4283160187856_7e2d7947a397f2ca588d4d5ca77895cd.jpg -0
Quang cảnh hội thảo

Năm 2022, kinh tế thế giới đứng trước thách thức lớn bởi tác động nhiều chiều từ hậu quả của dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia... Các vấn đề an ninh phi truyền thống và biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt. Kinh tế Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động bất lợi, nhưng đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ bằng việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao hơn so với kế hoạch là 6 - 6,5% và ở mức cao so với các nước trung khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách nhà nước tăng 15% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,5% so với năm trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định… 

“Bước sang 2023, các chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bất lợi kép từ bên trong và bên ngoài, cùng những vấn đề mới phát sinh, khó lường, chưa dự báo được ảnh hương lớn đến nền kinh tễ - xã hội của cả nước… Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu bộc lộ càng rõ nét. Lạm phát duy trì ở mức cao, rủi ro về địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng khốc liệt khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Bảo hộ thương mại có xu hướng tăng, cùng với đó rủi ro tài chính, tiền tệ, thanh khoản bất động sản toàn cầu ở mức cao… tiếp tục gây tác động xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ bất động sản Việt Nam…”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Mặc dù 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi, song Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD Phạm Hồng Chương cho rằng, lĩnh vực tài chính, tiền tệ và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều rủi ro, chưa phát triển một cách bền vững. Để tìm hướng đi đúng, giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản và không để thị trường bất động sản là nhân tố tác động đến lạm phát và bị coi là “nền kinh tế bong bóng”; đồng thời, kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào bất động sản, tránh đầu cơ, tránh các cú sốc làm đóng băng thị trường bất động sản gây tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội, Trường Đại học KTQD đã lựa chọn và đưa ra chủ đề Hội thảo năm nay cũng như của ấn phẩm thường niên là “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản”.

z4283160187856_7e2d7947a397f2ca588d4d5ca77895cd.jpg -0
Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD GS. TS Phạm Hồng Chương phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học KTQD Tô Trung Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ chưa được cải thiện, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Một trong những điểm nghẽn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính tiền tệ là thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro, bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững và phát triển thiếu lành mạnh… 

z4283193703247_c117969ae9f6e1b794b31a40a55ae451.jpg -0
Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học KTQD Tô Trung Thành phát biểu tại họp báo trước khai mạc hội thảo

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả việc quản lý tài chính và đầu tư phát triển bất động sản. khắc phục ngay những hạn chế bất cập trong việc điều hành quản lý và phát triển thị trường bất động sản nhằm phát huy tốt vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường, bảo đảm thị trường này hoạt động một cách ổn định, lành mạnh. 

Ngoài ra, các chuyên gia nêu giải pháp, cần tiếp tục hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản... Bên cạnh đó cũng cần sớm tháo gỡ những điểm nghẽn trong quy định và thủ tục triển khai các dự án để tránh tình trạng thị trường thiếu hụt nguồn cung, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Đồng bộ hoá đầy đủ, rõ ràng, minh bạch... cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước… giúp thị trường bất động sản hạn chế rủi ro, phát triển ổn định, lành mạnh. Điều này sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đức Hiệp
#