Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Bắt đầu từ phụ huynh

- Thứ Ba, 15/06/2021, 08:22 - Chia sẻ
Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, các bậc cha mẹ đều có nỗi lo chung là làm sao để chăm sóc, quản lý, giáo dục con, bảo đảm cho trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích. Mô hình Ngôi nhà an toàn - Phòng chống tai nạn thương tích không chỉ vừa cung cấp cho phụ huynh những kiến thức an toàn cho trẻ mà còn giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm.

Nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ

Ngôi nhà an toàn cần có các tiêu chí như bảo đảm an toàn xung quanh ngôi nhà với cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi trẻ em; bảo đảm an toàn các phòng trong ngôi nhà với cửa sổ có chấn song, thanh dọc chắc chắn và khoảng cách bảo đảm trẻ không chui qua được; cửa sổ, cửa đi phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quệt… 

Mùa hè năm nay mới chỉ bắt đầu nhưng những ngày gần đây, liên tiếp những vụ việc trẻ tử vong thương tâm do đuối nước đã xảy ra. Đơn cử, sáng 9.6.2021 bé Y Ngược ÊBan (10 tuổi) và bé Y Cơng ÊBan (12 tuổi) (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) theo bố mẹ ra ruộng rẫy để chơi, trong lúc bố mẹ lao động thì hai bé chơi đùa, không may cả hai đều bị đuối nước ở hồ nước gần đó và tử vong. Cùng ngày, tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 2 trẻ em bị chết đuối, 1 trẻ em bị mất tích do rủ nhau đi tắm biển và bị sóng đánh ra xa.... Đây là một trong số ít những vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua.

Theo số liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 4.000 trẻ em bị tử vong do các nguyên nhân tai nạn, thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu. Nhờ có những giải pháp can thiệp khá đồng bộ, số trẻ em tử vong do đuối nước giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm so với giai đoạn 2010 - 2015; tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước giảm trung bình từ 3 - 4%/năm, tương đương với tổng số khoảng 500 trẻ em được cứu sống mỗi năm. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn cao hơn tỷ suất tử vong do đuối nước của khu vực Tây Thái Bình Dương, cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao (Australia, Đức, Pháp, Canada, Đan Mạch).

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết tỷ lệ tai nạn thương tích trẻ em do những nguyên nhân cũ đang giảm chậm và xuất hiện những loại hình tai nạn thương tích trẻ em mới. Thời gian qua, xảy ra khá nhiều vụ trẻ em rơi ngã, đặc biệt ở các khu chung cư hoặc bị động vật cắn. Đồng tình với ông Nam, Chuyên gia, Bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ thêm, tai nạn thương tích xảy ra đa số xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà. Nhiều nhất là vấn đề đuối nước khi trẻ tiếp xúc với các chum nước, trượt chân trong nhà vệ sinh…; các em bé có thể chọc que vào ổ điện; tiếp xúc với chất tẩy rửa; uống nhầm các loại thuốc của người lớn, không phù hợp với trẻ… Trong khi đó, bố mẹ nhiều lúc không có thời gian, thường để con cho anh chị, ông bà trông, hoặc lúc trông con thường không tập trung. Thêm vào đó, các cảnh báo cộng đồng nơi các vị trí nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ, dốc cao vẫn còn thiếu.

Nguồn: ITN

Cung cấp cho cha mẹ kiến thức bảo vệ con

Một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 là Xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tổ chức triển khai các hoạt động can thiệp và tư vấn trực tiếp tại các gia đình, nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình.

Chuyên gia, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết: mô hình Ngôi nhà an toàn - Phòng chống tai nạn thương tích cung cấp cho cha mẹ kiến thức cách phát hiện những nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ trong nhà như vị trí để phích nước như thế nào, tủ thuốc phải cất ở nơi không trong tầm với của trẻ, dao nhọn phải cất cao, không được đổ hóa chất trong các chai lọ như nước Lavie,… Cha mẹ phải nhận thức được trong nhà mình đang tiềm ẩn những nguy hiểm gì. Mô hình cũng khuyến cáo rằng những trẻ em dưới 3 tuổi phải có cũi, việc này có thể giúp cứu hàng triệu trẻ em thoát chết. 

Điển hình, mô hình Ngôi nhà an toàn được TP Bà Rịa - Vũng tàu triển khai từ năm 2011, đến nay đã có 121.102/133.283 gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, chiếm tỷ lệ 91%. Hay mô hình Ngôi nhà an toàn được triển khai tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đây là địa bàn có 2 con sông lớn và nhiều trục đường chính chạy qua, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ. Năm 2014 toàn phường có 25 trẻ em bị tai nạn thương tích trong đó có 1 em tử vong. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đã có hơn 90% các hộ gia đình có trẻ em bảo đảm các tiêu chí an toàn. Đến năm 2019, toàn phường chỉ còn 4 trẻ em bị tai nạn thương tích và không có trẻ em nào tử vong.

Thực tế cho thấy, mô hình Ngôi nhà an toàn đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trong đó, đã giúp người dân nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em; đồng thời giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, hướng dẫn các gia đình khắc phục, cải tạo và loại bỏ các yếu tố nguy cơ, xây dựng môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, để góp phần giảm thiểu tai nạn cho trẻ, mỗi phụ huynh nên rà soát lại tiêu chí ngôi nhà an toàn để xây dựng, sắp xếp đồ đạc trong gia đình phòng ngừa và lường trước các nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ...; đồng thời các địa phương đẩy mạnh việc triển khai Mô hình “Ngôi nhà an toàn”. 

Nguyễn Ngân