Không thể phủ nhận, toàn cầu hóa với đặc trưng là gỡ bỏ rào cản thuế quan và tự do di chuyển vốn, đã rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giữa Bắc và Nam bán cầu, hay nói cách khác là giữa các nước giàu và nghèo.
Nhiều nơi, đặc biệt là châu Á đã được hưởng lợi nhiều từ đây. Thế nhưng, đồng thời với quá trình toàn cầu hóa đó là hiện tượng các công xưởng của thế giới mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến lãnh thổ kinh tế của châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng dù bản thân họ cũng có lợi. Tất nhiên, toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân duy nhất. Cuộc cách mạng công nghệ cũng có phần trách nhiệm không nhỏ gây ra làn sóng di dời công ăn việc làm ra nước ngoài. Bởi giờ đây, những dây chuyền sản xuất công nghiệp lớn có thể chia nhỏ ra và đem rải ở nhiều nước. Công nghệ số đã thúc đẩy và đơn giản hóa hoạt động toàn cầu của các dịch vụ. Xu hướng này không thể ngừng lại mà chỉ có tiếp tục mở rộng hơn.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra sau hai sự kiện đã đề cập ở trên là phải chăng thế giới đang ở giai đoạn đầu của tiến trình “phi toàn cầu hóa”? Nhiều đảng chủ trương bảo hộ và đảng cực hữu ở châu Âu đã diễn giải thành công của tỷ phú Trump ở Mỹ như là tín hiệu báo hồi kết cho hiện tượng toàn cầu hóa. Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống đắc cử Trump đã khai thác thực tế mà ở châu Âu cũng như Mỹ người ta đã biết từ nhiều năm nay về mặt trái của quá trình toàn cầu hóa đối với các nước tư bản.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nước Mỹ đã cố gắng định hình lại thế giới theo cách của mình - xây dựng một đế chế dưới cái ô toàn cầu hóa. Thông qua những liên minh ngày càng lớn và phức tạp, cùng những thể chế toàn cầu mà Mỹ có ảnh hưởng lớn, Washington đã tìm cách chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu các quy định về mậu dịch, tài chính và quan hệ quốc tế. Họ sử dụng sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự để hối thúc các quốc gia khác áp dụng nền dân chủ thông qua bầu cử và chủ nghĩa tư bản thị trường.
Từ năm 2008, nhiều người Mỹ đã từ bỏ quan điểm rằng toàn cầu hóa đem lại lợi ích cho nền kinh tế số 1 thế giới này. Theo họ, toàn cầu hóa chỉ làm lợi cho những người Mỹ thượng lưu thâu tóm tài sản và ảnh hưởng, trong khi tầng lớp trung lưu bị suy kiệt. Hạ tầng cơ sở của Mỹ đang xuống cấp, hệ thống giáo dục không đồng đều, và phúc lợi xã hội giảm sút. Mỹ chiếm 4,5% dân số thế giới và khoảng 20% GDP toàn cầu, song lại chiếm tới gần 40% chi tiêu quân sự của thế giới.
Theo giới chuyên gia, toàn cầu hóa có nhiều vấn đề nhưng “phi toàn cầu hóa” cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Chẳng hạn như ở Mỹ, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ thi hành chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân cũng như lợi ích của nước Mỹ bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa từ các quốc gia khác. Việc này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai kinh tế thế giới, nhất là khi nhu cầu toàn cầu suy giảm.
Theo Phó Giáo sư Kaewkamol Pitakdumarongkit thuộc Trung tâm nghiên cứu đa phương, Trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore, một số quốc gia sẽ cảm thấy phải can thiệp vào tỷ giá hối đoái để thúc đẩy cạnh tranh thương mại và giành được lợi thế trong thị trường thế giới. Điều đó có thể dẫn tới mất tính cạnh tranh tiền tệ, thậm chí chiến tranh tiền tệ, làm suy yếu thương mại toàn cầu, tài chính cũng như dòng vốn đầu tư.
Những nguy cơ nói trên sẽ dẫn tới một vấn đề lớn hơn, đó là việc quản trị. Đối với bất cứ hệ thống nào, để duy trì và hoạt động suôn sẻ đều cần tới khả năng quản trị tốt. Các bên liên quan cần phải hợp tác với nhau trong việc quyết định luật lệ chung mà họ phải tuân theo. Để đạt được điều đó, các quốc gia cần phải làm việc cùng nhau trên hai điều: Xây dựng luật lệ và thực thi chúng.