Nhiều nhà công vụ bị để trống lâu ngày
Qua giám sát, HĐND TP Hà Nội đánh giá quỹ nhà ở công vụ của thành phố không nhiều nhưng tỷ lệ để trống cao, nhiều địa điểm để trống lâu ngày, không được bảo dưỡng, duy tu kịp thời nên hư hỏng, xuống cấp; giá cho thuê chưa được tính toán xác định theo quy định của Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, theo báo cáo số 95/BC-SXD (ngày 13.5.2022) của Sở Xây dựng thì 7/9 căn hộ chung cư và 2/3 căn nhà đất thuộc quỹ nhà ở công vụ của thành phố đang để trống.
Bên cạnh đó, HĐND thành phố chỉ ra một thực trạng, đó là quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm nhà đã xây dựng từ những năm 1960 - 1970 nay đã xuống cấp; nhà có nguồn gốc là nhà thuộc diện cải tạo, vắng chủ, công tư hợp doanh nên hay phát sinh tranh chấp, khiếu kiện đòi nhà, vướng mắc về diện tích; đối với nhà cơ quan tự quản bàn giao sang thì các hộ đã sửa chữa, xây mới, lấn chiếm, tự chuyển nhượng...
Mặc khác, công tác liên quan đến việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước chưa được quan tâm thích đáng, công tác thẩm định hồ sơ chưa được tập trung xử lý kịp thời, triệt để dẫn đến thời gian xử lý kéo dài qua nhiều cơ chế chính sách, ngày càng khó khăn hơn. Về nội dung này, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, từ năm 2016 tới tháng 5.2022, Công ty đã hoàn thiện và chuyển Sở Xây dựng kiểm tra thẩm định 3.469 hồ sơ. Tuy nhiên, trong báo cáo của Công ty lại không nêu về số lượng được giải quyết, xử lý và sổ hồ sơ mời phát sinh.
Đối với trường hợp nhà ở tập thể do các cơ quan tự quản, hiện đang có nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác tiếp nhận, bàn giao nhà tự quản để bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Đáng chú ý, qua theo dõi kiến nghị cử tri tại nhiều địa phương cho thấy còn những trường hợp đã thực hiện thủ tục mua nhà, đã nộp hồ sơ nhưng chậm được xem xét cấp Giấy chứng nhận.
Chậm hoàn thành các thủ tục về đầu tư, quy hoạch
Riêng đối với công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà 30%, quỹ đất 20 - 25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị bàn giao lại thành phố, theo đánh giá của HĐND thành phố, công tác tổng hợp thống kê, quản lý quỹ nhà 30%, quỹ đất 20 - 25% bàn giao lại Thành phố chưa đầy đủ, trong đó, công tác quản lý còn phân tán giữa các đơn vị, thiếu đầu mối tổng hợp. Cụ thể, Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý quỹ đất, Sở Xây dựng quản lý quỹ nhà, Sở Tài chính xác định thực hiện nghĩa vụ bằng tiền.
"Đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu chính xác về diện tích đất phải bàn giao, số lượng và diện tích căn hộ phải bàn giao (trong đó bao nhiêu diện tích đất, căn hộ đã bàn giao, chưa bàn giao, thực hiện nghĩa vụ bằng tiền, số tiền đã nộp ngân sách...)", báo cáo giám sát nêu rõ.
Điều đáng nói là một số dự án phát triển nhà ở, xây dựng khu đô thị đã hoàn thành, đi vào sử dụng từ lâu nhưng thủ tục bàn giao quỹ đất 20 - 25% chậm; tại nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở thiếu sự quan tâm trong việc thực hiện công tác GPMB phân quỹ đất phải bàn giao lại cho thành phố. Đồng thời, việc đưa vào khai thác sử dụng quỹ đất thành phố đã tiếp nhận chậm trong khi trên địa bàn việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu.
Điển hình như quỹ đất 20% tại khu đô thị mới Cầu Bươu đã hoàn thành GPMB bàn giao từ 2017 nhưng đến nay vẫn chưa lựa chọn chủ đầu tư; Lô biệt thự A1 tại khu nhà ở Dịch Vọng hoàn thành từ năm 2008, chủ đầu tư đề nghị thực hiện nghĩa vụ bằng tiền từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đáng chú ý, báo cáo số 221/BC-UBND (ngày 28.6.2022) của UBND thành phố cho thấy còn tới 36 ô đất (của 14 dự án) với diện tích 146.314,4 m2 thuộc cơ chế của quyết định 123/2001/UBND và 3 ô đất (của 2 dự ản) với diện tích 36.725 m2 thuộc cơ chế của Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã được thành phố tiếp nhận nhưng chưa sử dụng.
Thậm chí, nhiều Chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở được UBND thành phố cho phép sử dụng quỹ đất 20 - 25% để xây dựng nhà ở xã hội nhưng chậm hoàn thành các thủ tục về đầu tư, quy hoạch và đất đai để triển khai đầu tư xây dựng công trình. Cá biệt có công trình nhà ở sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp xây dựng trên quỹ đất bàn giao lại cho thành phố bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khởi công từ năm 2009 nhưng xây dựng dở dang, dừng thi công từ năm 2018 đến nay gây lãng phí.
Công tác chỉ đạo có lúc chưa kịp thời, thiếu quyết liệt
Qua giám sát cho thấy, những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của thành phố có nguyên nhân chủ quan do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo điều hành chung còn có lúc chưa kịp thời, thiếu quyết liệt; các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc thành phố còn chưa làm hết trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có lúc, có nơi còn buông lỏng trong công tác quản lý. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, kịp thời, có trường hợp còn biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm. Việc bố trí nhân lực làm công tác theo dõi, quản lý tài sản công tại hầu hết các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua chưa được quan tâm cả về số lượng và chất lượng, hầu hết chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi tài sản công.
Về trách nhiệm của từng sở ngành, báo cáo giám sát chỉ rõ Sở Tài chính chưa tập trung kiểm tra, cùng tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong việc hướng dẫn, đôn đốc, đẩy nhanh việc kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất.
Đồng thời, chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu rà soát cơ sở nhà đất chưa sử dụng hết công suất hoặc hiệu quả sử dụng chưa cao lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh liên kết cũng như chưa tập trung tham mưu với UBND thành phố ban hành cơ chế, chính sách, quy định tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị xây dựng và trình đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh liên kết.
Đồng thời, Sở Tài chính đã thiếu tập trung đôn đốc dẫn đến một số năm để chậm trễ trong việc phê duyệt dự toán kinh phí sử dụng cho quản lý, bảo trì nhà tái định cư. Còn trường hợp chậm trễ trong phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các nhà chung cư tái định cư. Ngoài ra, Sở Tài chính "Chưa quyết liệt trong công tác thanh tra chuyên đề, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố hoặc báo cáo UBND thành phố xử lý (trong đó có những sai phạm kéo dài nhiều năm)".
Đối với Sở Xây dựng, báo cáo giám sát chỉ rõ chưa kịp thời rà soát, tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản liên quan xác định giá cho thuê nhà, giá bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhà chuyên dùng; chậm kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về quản lý nhà chuyên dùng cho phù hợp tình hình thực tế. Chưa sát sao trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quản lý cho thuê nhà.
Đồng thời, Sở Xây dựng chưa chủ động cập nhật thường xuyên, lập hồ sơ theo dõi; tập hợp, lưu trữ hồ sơ nhà đất, quản lý sử dụng, bảo trì, cải tạo xây dựng các loại quỹ nhà là tài sản công thuộc sở hữu nhà nước; công tác thẩm định hồ sơ bán nhà chưa được tập trung xử lý kịp thời, triệt để dẫn đến thời gian xử lý kéo dài.
* Báo Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan đến bạn đọc và cử tri cả nước.