Thượng viện Anh bác dự luật Thị trường nội địa

Bảo vệ danh tiếng coi trọng pháp quyền

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:36 - Chia sẻ
Trong bối cảnh căng thẳng với EU vẫn chưa có lối thoát, Thượng viện Anh vừa có động thái được đánh giá là giúp “hạ nhiệt” khi tiến hành cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng nhằm bác dự luật Thị trường Nội địa đầy tranh cãi, trong đó có những điều khoản thay đổi thỏa thuận rút lui với liên minh lá cờ xanh.

Tinh thần thượng tôn pháp luật

Cuối tháng 9, Hạ viện Anh đã bật đèn xanh cho dự luật trên, vốn được chính phủ đưa ra nhằm kiểm soát hoạt động giao thương giữa 4 vùng của Anh gồm England, Scotland, Wales và Bắc Ireland thời hậu Brexit. Đặc biệt, văn bản này dự định sửa đổi điều khoản “chốt chặn” để tránh tình trạng tái lập biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Động thái đó khiến Liên minh châu Âu (EU) vô cùng tức giận và Ủy ban châu Âu (EC) quyết định hiện thực hóa đe dọa trước đó của mình bằng cách khởi động một vụ kiện đối với Vương Quốc Anh vào ngày 1.10 bằng cách gửi thư thông báo tới nước này rằng, họ đã vi phạm những cam kết pháp lý với Thỏa thuận rút lui mà hai bên đã đạt được cuối năm 2019.

Nguồn: ITN

Anh có một tháng để trả lời thư của EC. Sau đó, EC sẽ đánh giá xem câu trả lời có thỏa đáng không, đồng thời có thể yêu cầu Anh rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi dự luật. Nếu thất bại, EC có thể khởi kiện Anh tại Tòa án Công lý châu Âu có trụ sở tại Luxembourg và London có thể phải đối mặt với án phạt nặng.

Tuy nhiên, tiến trình trên phải mất nhiều năm và xứ sở sương mù vẫn có nhiều thời gian để thay đổi chính sách. Trong khi đó, Vương quốc Anh cũng có lý lẽ của riêng mình để bảo vệ dự luật Thị trường Nội địa, cho rằng nó là cần thiết để ngăn chặn khả năng thị trường nội địa giữa các vùng của Anh, đặc biệt là Bắc Ireland, bị chia cắt khi nước Anh hoàn toàn tách khỏi EU vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh đó, động thái bác bỏ văn bản trên của Thượng viện Anh được giới bình luận đánh giá là có khả năng xoa dịu tình trạng căng thẳng với liên minh lá cờ xanh trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng”. Nó được đưa ra trong bối cảnh London và Brussels đã không thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào đúng thời hạn chót ngày 15.10 như hai bên đặt ra trước đó. Dự kiến, trong những tuần tới, các thượng nghị sĩ Anh sẽ xem xét lại kỹ lưỡng từng phần của dự luật Thị trường Nội địa. 

Thượng nghị sĩ Michael Howard, từng là lãnh đạo đảng Bảo thủ cho biết, ông muốn một nước Anh độc lập và có chủ quyền, nhưng phải là một nước Anh tuân thủ các cam kết và có tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời tôn trọng những nghĩa vụ bắt buộc đối với Thỏa thuận rút lui mà Chính phủ đã ký với EU. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Fox nói: “Tất cả chúng ta đều biết dự luật này là bất hợp pháp”, “nó làm nổi lên các vấn đề Hiến pháp quan trọng và đe dọa phân quyền”, hơn thế nữa còn “làm xói mòn lòng tin đối với các thể chế của chúng ta” cũng như “làm tổn hại đến danh tiếng của đất nước vốn đề cao pháp quyền này”.

Đề cập đến “các điều khoản nghiêm trọng” trong dự luật, Thượng nghị sĩ Stevenson ở Balmacara lập luận tương tự: “Hành động phủ đầu của Chính phủ đã đặt Vương quốc Anh vào sai lầm” và làm tổn hại “uy tín quốc tế của Anh như một người bảo vệ pháp quyền”.

Còn Thượng nghị sĩ Judge, cựu chánh án, nhấn mạnh: “Bạn không phải là luật sư để hiểu các quy định của pháp luật”, “bạn không phải là luật sư để hiểu những thiệt hại về danh tiếng đối với Vương quốc Anh”. Ông nói thêm, “chúng ta không thể rút lui khỏi thực tế rằng chúng ta đang vi phạm pháp luật nếu dự luật này được ban hành”.

Cơ hội cho thỏa thuận thương mại hậu Brexit?

Hiện nay, qua nhiều vòng thương lượng, cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thỏa thuận hậu Brexit vẫn vướng mắc trong một loạt vấn đề chính như quyền đánh bắt cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và cạnh tranh công bằng. Trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận về quan hệ tương lai hậu Brexit, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại. Cả hai phía đều khẳng định đã sẵn sàng cho khả năng này.

Hôm 20.10, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier đã hối thúc Anh tận dụng thời gian ít ỏi còn lại để ký kết thỏa thuận hậu Brexit nhằm chấm dứt thế bế tắc hiện nay. Ông cho rằng, “cánh cửa vẫn rộng mở” và hai bên cần tận dụng thời gian.

Thực tế, một EU thất vọng và một Vương quốc Anh tức giận đều thúc giục các thỏa hiệp để tránh kết thúc đáng tiếc cho vở kịch Brexit kéo dài 5 năm sẽ làm phức tạp thêm những rắc rối kinh tế vốn đang bị tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Bởi không ký được thỏa thuận thương mại khi Anh bước ra khỏi giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31.12 tới chắc chắn sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trong chuỗi cung ứng và làm suy yếu nền kinh tế châu Âu, vốn lao đao vì đại dịch Covid-19 đã và đang phá hủy việc làm và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau lời kêu gọi nhượng bộ của EU trước đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ngừng đàm phán, đồng thời cho biết đã đến lúc chuẩn bị cho một Brexit không thỏa thuận. EU kể từ đó đề nghị đẩy mạnh đàm phán và mở các cuộc thảo luận liên quan đến các văn bản pháp lý của dự thảo hiệp ước, nhưng Vương quốc Anh tuyên bố không có cơ sở để nối lại thảo luận nếu không có thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận.

Mặc dù một số nhà ngoại giao EU lạc quan rằng, thỏa thuận thương mại có khả năng đạt được vào phút cuối, nhưng đồng minh Đức của Anh, Thủ tướng Angela Merkel lại nhận định, cơ hội đạt được thỏa thuận đang giảm dần. Ông Detlef Seif, báo cáo viên về vấn đề Brexit thuộc phái bảo thủ của bà Merkel tại Hạ viện Đức thậm chí cho biết: “Hiện tại, tôi thấy cơ hội còn tồi tệ hơn 50:50. Quả bóng vẫn đang ở trên sân của Anh”.

Một số chính phủ châu Âu lo ngại, Thủ tướng Anh Johnson có thể đánh giá những lợi ích trong nước, và khả năng về sự tự do kinh tế lâu dài theo sau một lối ra không thỏa thuận sẽ lớn hơn lợi ích của một thỏa thuận thương mại phẳng.

Linh Anh