Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bộ cũng thành lập Ban Tổ chức và phê duyệt danh sách nghệ nhân, học viên tham gia tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên.
Quyết định nêu rõ, Ban tổ chức có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên và triển khai tổ chức xây dựng mô hình bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ; nghệ nhân, học viên (là đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) có trách nhiệm tham gia đầy đủ, đúng thành phần, thời gian và địa điểm.
Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo ra nguồn thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Quyết định cũng đưa ra yêu cầu xây dựng mô hình về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phải phù hợp với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; gắn kết các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương. Đồng thời, khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình hiệu quả về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên.
Cụ thể, chương trình xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú gắn với phát triển du lịch trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại bản Ten, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đơn vị chủ trì gồm Vụ Văn hóa dân tộc phối hợp Vụ Kế hoạch, Tài chính, Văn phòng Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, UBND TP. Điện Biên Phủ.
Chương trình thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú, tại bản Ten; những kết quả đạt được, khó khăn và hạn chế, từ đó làm cơ sở lựa chọn địa điểm, xây dựng nội dung triển khai mô hình.
Chương trình cũng tổ chức lớp truyền dạy và hướng dẫn thực hành phương pháp nhuộm chàm, kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú; hỗ trợ nguyên liệu, vật tư phục vụ thực hành kỹ thuật may, thêu, trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống. Tổ chức ghi hình, chụp ảnh, dựng phim tư liệu phục vụ tuyên truyền, quảng bá về công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Thành phần tham gia gồm 5 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng và 70 học viên dân tộc Khơ Mú do địa phương đề xuất.
Chương trình bảo tồn diễn ra đến hết năm 2022.