Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Đặng Ngọc Khánh cho biết, những dấu tích lịch sử, văn hóa hiện còn ở Cố đô Hoa Lư rất phong phú, đa dạng, bao gồm: Hệ kiến trúc thờ tự, dấu tích tường thành, hang động... “Cùng với thời gian, tác động của đô thị hóa, cảnh quan khu vực đang có biến đổi theo chiều hướng mất dần bản sắc riêng độc đáo; vẫn còn tình trạng người dân sinh sống trong khu di tích. Nhiều khu vực dần bị đô thị hóa, cảnh quan hai bên dòng sông Sào Khê lịch sử bị lấn chiếm, ô nhiễm; nhiều di tích đã trở thành phế tích chưa được phục dựng. Điểm nhấn của di sản là khu vực đền vua Đinh, đền vua Lê và sân lễ hội phía trước hai ngôi đền đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nhưng chưa đồng bộ”.
Theo các nhà nghiên cứu, giải pháp trọng tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư được đặt ra là: Tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng công viên lịch sử Trung tâm Cố đô Hoa Lư; tiếp tục nghiên cứu khai quật, khảo cổ học, ưu tiên bảo tồn các di tích kiến trúc, tài nguyên cảnh quan thiên nhiên; đầu tư giải phóng mặt bằng và định hướng tái định cư cho người dân, gắn với phát triển kinh tế di sản, góp phần mang lại sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương...
Tại hội thảo, các đại biểu cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn như: Nghiên cứu nhận diện quy mô, diện mạo kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ thứ X; đánh giá vai trò, vị trí của kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc; những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; ý nghĩa, kết quả công tác khai quật khảo cổ trong khu vực; thực trạng biến đổi của các công trình di tích qua các thời kỳ; quá trình thực hiện quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.