Ngày 15.10, theo cảnh báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong 24 giờ qua, ở khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Kiến Giàng 149mm (Quảng Bình), Tà Rụt 372mm (Quảng Trị), Bạch Mã 961mm, Nam Đông 775mm (Thừa Thiên Huế); Suối Đa 752mm (Đà Nẵng), Đập Hà Thanh 366mm (Quảng Nam); Trà Hiệp 164mm (Quảng Ngãi). Mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai đã đạt trạng thái gần bão hòa (90-95%).
Dự báo trong 6 giờ tới, tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai tiếp tục có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến ở tỉnh Quảng Bình từ 30-70mm, có nơi trên 120mm; tỉnh Kon Tum và Gia Lai từ 10-30mm, có nơi trên 70mm; tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế 70-140mm, có nơi trên 200mm; Đà Nẵng đến Quảng Ngãi từ 30-60mm, có nơi trên 100mm.
Về tình hình thiệt hại tại các địa phương, chiều 15.10, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) Trần Bôn cho biết, đã thông báo với cơ quan chức năng về việc người dân phát hiện một thi thể trôi trên sông Hương. Hiện chính quyền thôn Quy Lai, xã Phú Thanh đã xử lý bước đầu, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ.
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện còn khoảng 20.000 nhà bị ngập, nhiều tuyến đường đang bị ngập nặng. Mưa lớn làm sạt lở đất nhiều nơi ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã A Roàng, huyện A Lưới bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Nhiều đoạn trên Quốc lộ 49B, các tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 19 ngập sâu trong nước… Hiện nay, mực nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở báo động 3. Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầy nước, các thủy điện tiếp tục xả lũ.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện tỉnh đang điều tiết vận hành các hồ chứa vừa đảm bảo an toàn hồ thủy điện, vừa tránh ngập lụt nặng ở hạ du.
Tại Đà Nẵng, trận mưa lũ lịch sử trong ngày và đêm 14.10 khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, nhiều tài sản bị ngập chìm, trôi theo dòng nước lũ, hàng trăm ô tô, xe máy bị hư hỏng, nằm la liệt khắp các tuyến đường trong nội thành TP. Đà Nẵng. Trong cuộc họp diễn ra sáng 15.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, trận mưa lũ lịch sử ngày và đêm 14.10 làm 5 người chết (2 người chết đuối, 1 người tử vong trong ngôi nhà ngập nước, 1 chiến sĩ Công an bị tử nạn, 1 ngư dân bị tử nạn trên đường về bờ tránh bão số 5). Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các lực lượng tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ và hỗ trợ các gia đình có thân nhân bị chết do bão lũ gây ra.
Cũng tại TP Đà Nẵng, khu vực quận Thanh Khê, sơ tán 30 người tại khu vực Khe Cạn lên trường Lê Văn Tám. Quận Cẩm Lệ sơ tán khoảng 345 người tới nơi an toàn; 8 trường hợp người dân đi đường bị nước cuốn đã được cứu hộ kịp thời (4 phường Hòa An, 04 đường Nguyễn Nhàn, phường Hòa Thọ Đông).
Sáng 15.10, tại Đà Nẵng tạnh mưa, nhưng nhiều nơi ở các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê nước vẫn còn ngập sâu, người dân không thể đi lại được. Các lực lượng quân đội, công an tích cực hỗ trợ người bị nạn, cử lực lượng dọn dẹp bùn đất, khôi phục giao thông. Lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an thành phố huy động 100% phương tiện, nhân lực hút nước tại các tầng hầm bệnh viện, nhà chung cư.
Chiều 15.10, ông Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy Sơn Trà (Đà Nẵng), cho biết lực lượng chức năng quận đang khẩn trương khắc phục những vị trí sạt lở trên bán đảo Sơn Trà. Mưa lớn từ chiều và đêm qua khiến các tuyến đường bị sạt lở, cô lập bán đảo Sơn Trà. Quận đang tập trung nhân lực khắc phục các đoạn bị sạt lở. Cơ quan chức năng cũng đang dọn dẹp đất đá tràn xuống đường.
Ngoài các tuyến đường lên Sơn Trà bị sạt lở, một số vị trí trên đường đi bộ, bờ kè vỉa hè ven biển Mân Thái, Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê... cũng bị sạt lở, sụt lún. Chính quyền TP. Đà Nẵng đã cắt cử người túc trực tại khu vực nguy hiểm đồng thời khuyến cáo người dân và du khách không tham quan bán đảo Sơn Trà thời điểm này. Ở những chỗ nguy hiểm, ban quản lý đã giăng dây cảnh báo người dân không đến gần.
Khu vực bị sạt lở đất đá tại hầm đường bộ Hải Vân, hiện các bộ phận chuyên môn thuộc Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân đã thông xe hầm Hải Vân 2 theo phương án thông xe từng hướng lưu thông, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông điều tiết giao thông tại hầm Hải Vân 2. Với khối lượng đất đá còn lại trên đường dẫn 8.000 - 10.000 m3 trên tuyến Hải Vân 1, việc xử lý thu dọn dự kiến phải mất đến 8 tiếng để có thể lưu thông trở lại.
Theo Xí nghiệp vận hành hầm Hải Vân, khối lượng đất đá trước cửa hầm Nam hầm Hải Vân trải dài 200m, dày 1m và rộng 60m; tổng khối lượng đất đá vùi lấp khoảng 12.000m3.
Tới đầu giờ chiều 15.10, hầm Hải Vân 1 đã khắc phục sự cố lũ quét và thông xe di chuyển trở lại bình thường. Như vậy tới thời điểm hiện tại, cả 2 ống hầm Hải Vân đều đã thông suốt, đảm bảo lưu thông trên tuyến huyết mạch QL1A, tránh tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Khoảng 60 ngàn m3 đất đá do lũ quét tràn xuống trong đêm đã được dọn dẹp thần tốc để thông xe hoàn toàn 2 ống hầm Hải Vân, nối tuyến huyết mạch giao thông Bắc-Nam.
Về sự cố sạt lở thủy điện Kà Tinh 1 đã vùi lấp tổ máy vận hành của Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 và nghi vùi lấp một công nhân điều hành tổ máy xảy ra vào khoảng 18h20 tối 10.10. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án tìm kiếm, trong đó đưa thiết bị bay không người lái, người nhái, chó nghiệp vụ để tìm kiếm nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở thủy điện Kà Tinh 1.
Đại tá Lê Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái để tiếp tục công tác tìm kiếm kỹ sư mất tích tại thuỷ điện Kà Tinh 1, xã Trà Lâm (Trà Bồng).
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo báo cáo nhanh từ lực lượng thường trực cho biết, hiện trên Quốc lộ 14B xuất hiện nhiều điểm sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở lớn; đặc biệt đoạn qua cầu Suối Mơ, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nước chảy trôi một nửa mặt đường gây sụt lún, tạo thành "hố tử thần" làm ách tắc giao thông. Từ đêm 14.10, chính quyền địa phương đã cắm biển, giăng dây cảnh báo người và phương tiện không qua lại để đảm bảo an toàn.
Sáng 15.10, phương tiện vẫn chưa thể lưu thông được trên tuyến, các lực lượng đang tập trung khắc phục sự cố. Tại xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở dọc trên Quốc lộ 14B, các phương tiện không thể qua lại. Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, để đảm bảo an toàn, tối qua, địa phương tiến hành di dời gần 40 hộ dân ở khu vực có nguy cơ ngụt lụt và sạt lở tại các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Phong.
Hiện tại tình hình mưa bão tại các địa phương vẫn đang có diễn biến phức tạp, theo dự báo từ cơ quan chuyên môn, trong 12 giờ tiếp theo, tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất…