Người lao động nuối tiếc khi rút BHXH một lần
Bao năm nay, ngày nào cô Trang (Long Biên, Hà Nội) cũng phải thức dậy thật sớm để kịp đồ xôi mang qua các quận nội thành để bỏ mối cho các hàng bán lẻ. Ở tuổi 65, không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu, cô Trang đều trông chờ hết vào nghề làm xôi này.
Trước đây, cô từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 và nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần; khoản tiền khi ấy tưởng lớn nhưng bẵng mấy năm cô Trang đã tiêu sạch, nay cô phải chật vật lo cuộc và tiếc nuối cho quãng thời gian đã từng được đóng BHXH.
Chung nỗi niềm với cô Trang, chị Hương (Quảng Bình) từng làm cho một công ty dày da nhiều năm, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Hương phải nghỉ việc, chồng chị công nhân đường bộ cũng mất việc sau đó. Hai vợ chồng trở về quê làm công việc tự do. Đến giữa năm ngoái, chị làm thủ tục xin rút BHXH một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống.
Chị Hương tâm sự, khoản tiền BHXH của vợ chồng em rút một lần vì nghỉ việc do dịch bệnh nay cũng đã hết. Giờ thấy bố mẹ già vẫn phải bươn chải nhiều nghề, không có lương hưu, không có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, chị mới cảm thấy hối tiếc, muốn đóng lại khoản tiền BHXH rút mà không được chấp nhận bởi quy định của pháp luật. Vợ chồng chị Hương dự định, tháng tới, sẽ nộp đơn xin tuyển dụng vào làm công nhân để lại được tham gia BHXH mong có cuốn sổ BHXH an tâm lúc tuổi già.
Được biết, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động để mọi người có thêm cơ hội được hưởng lương hưu. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp khi nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Rút BHXH một lần lợi bất cập thiệt thòi
Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần có thể giải quyết được một số việc khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài để lại khoảng trống lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.
Theo các chuyên gia, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, cụ thể như người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu, nguồn thu nhập ổn định hàng tháng; người lao động tham gia BHXH khi hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế; người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người; thân nhân người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi người lao động qua đời.
Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động, không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.