Tình trạng sân sau trong đấu giá

Bao giờ hết cả nể, nương tay?

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 07:08 - Chia sẻ
Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; trong khi đó, việc xử lý các vi phạm còn tình trạng “cả nể”, “nương tay”.

Thất thoát tài sản 

Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công, trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%; tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chưa đến 50 cuộc, chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc. Chính vì lẽ đó, nếu khâu tổ chức không tốt thì tài sản nhà nước (quyền sử dụng đất) bị thất thoát là điều không tránh khỏi.

	Phiên đấu giá trực tuyến gỗ sưa thanh lý của Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ
Phiên đấu giá trực tuyến gỗ sưa thanh lý của Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Mai nêu thực tế, việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm của tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch quá lớn theo giá thị trường, thậm chí kết quả định giá tài sản của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Trong khi đó, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn. Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Thực tế, trong nhiều năm qua, tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá vẫn được nhắc tới như một điểm nghẽn trong quản lý nhà nước về công tác này. Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2021 thì tình trạng trên vẫn được nhắc tới, cùng với đó hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra ở nhiều địa phương.

Điều đáng nói hơn, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn chưa thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá đôi khi còn tình trạng “cả nể”, “nương tay”.

Đến tháng 11.2021, cả nước có hơn 1.000 đấu giá viên; gần 500 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 59/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến thời của đấu giá trực tuyến

Liên quan đến vấn đề này, ngoài các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự… thì ngày 2.11.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg của về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản. Và mới đây, ngày 21.12.2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua.

Theo đó, để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch… Công điện cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan, như Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Bộ Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công an… khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất...

Tuy nhiên, như trên đã đề cập dù tình trạng thông đồng, quân xanh, quân đỏ… diễn ra trong nhiều năm nhưng các bộ, ngành liên quan chưa có giải pháp nào cụ thể, hiếm có tổ chức đấu giá nào, Sở Tư pháp nào bị kêu tên, biện pháp cao nhất cũng chỉ là hủy kết quả đấu giá còn trách nhiệm của các cá nhân liên quan thì chưa thấy nhắc tới.

Thực tế cho thấy, vai trò của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý rất mờ nhạt, chủ yếu là dựa vào năng lực của cá nhân, tổ chức có tài sản, trong khi đó ngành tư pháp quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá, tổ chức đấu giá, đấu giá viên do Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Thực tế này dẫn đến có những vụ việc “chồng là đấu giá viên, vợ trúng giá”… nhưng cơ quan quản lý chỉ kết luận là sai luật, vậy khâu phê duyệt hồ sơ, tổ chức đấu giá được diễn ra như thế nào? Trách nhiệm của ai để dẫn đến việc vi phạm đó?

Trong bối cảnh đó nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hình thức đấu giá trực tuyến, nhất là việc đấu giá tài sản công, quyền sử đụng đất có giá trị lớn, phức tạp tại địa phương. Tổng Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quản Văn Minh cho biết, đấu giá trực tuyến có lợi ích nhiều mặt, người tham gia đấu giá chỉ cần có máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng internet là có thể đăng ký tham gia nhiều cuộc đấu giá cùng lúc, đồng thời việc đấu giá được tổ chức công khai, minh bạch, góp phần loại bỏ được sự thông đồng, quân xanh, quân đỏ... tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Phạm Hải