Bảo đảm nguồn lực chống dịch hiệu quả

- Chủ Nhật, 03/10/2021, 06:56 - Chia sẻ
Theo số liệu của Chính phủ, năm 2021, ngân sách chi cho phòng, chống Covid-19 là hơn 100 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 54 nghìn tỷ đồng đã bố trí trong dự toán năm 2021, các khoản tích luỹ chuyển nguồn từ năm 2020 sang và đóng góp của doanh nghiệp, người dân và nguồn địa phương có 46 nghìn tỷ đồng.

Ngày 1.10 vừa qua, tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô gói hỗ trợ năm 2021, tính tất cả các nguồn, khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.  Đây là cố gắng rất lớn của Nhà nước khi GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, riêng quý III giảm sâu ở mức 6,17%, nên nguồn thu rất khó khăn. Đây là bài toán chi phí - hiệu quả, vì chỉ khi kinh tế được phục hồi, ngân sách mới có nguồn thu để lại tập trung chi cho phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Các gói hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống, yên tâm tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch như hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo, hỗ trợ người lao động mất việc làm và thu nhập, hỗ trợ người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và nhiều hỗ trợ khác trực tiếp cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh để duy trì sản xuất, việc làm… là những giải pháp kinh tế, xã hội hết sức cần thiết, không thể thiếu bên cạnh các giải pháp về y tế.

Bên cạnh đó, theo tính toán của Bộ Y tế, chúng ta cần khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng để mua 170 triệu liều vaccine tiêm cho hơn 80 triệu dân. Nếu dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm, kinh phí mua vaccine sẽ còn phải lớn hơn nữa. Rồi chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chi phí điều trị lâu dài cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe, sang chấn tâm lý, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, giường bệnh, thành lập khoa điều trị Covid tại các bệnh viện trong điều kiện bình thường mới. Các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã phải chi trả với quy mô rất lớn.

Ngoài Quỹ vaccine phòng Covid-19 được Nhà nước thành lập, nhận được sự hưởng ứng của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, còn rất nhiều hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch của người dân và doanh nghiệp mà chưa thể tính toán, tập hợp ngay được, từ hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp qua Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ… tới các bệnh viện dã chiến, bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ thêm cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên từng địa bàn, người dân ở các khu giãn cách, cách ly y tế, rồi chi phí của cộng đồng doanh nghiệp khi chủ động thực hiện các biện pháp chống dịch để duy trì sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” cũng rất lớn. Nói cho cùng, đó là chi phí trực tiếp của xã hội cho phòng, chống dịch. Đây là những nguồn tài chính không nhỏ bên cạnh chi từ ngân sách khi cả nước đồng lòng, chung tay chống dịch. 

Có thể thấy, do thể chế và quy mô nền kinh tế, ngân sách nhà nước của mỗi quốc gia một khác, nên cách huy động các nguồn lực tài chính cho phòng chống dịch bệnh khác nhau. Theo Brookings Institution, các quốc gia trên toàn thế giới đang chi hàng nghìn tỷ đô la để ứng phó với đại dịch. Nguồn lực tài chính được Chính phủ các nước huy động từ nhiều nguồn, trong đó có cả các khoản vay tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp với chi phí tương đối thấp mà không quá lo ngại về suy giảm đầu tư tư nhân vì mặt bằng lãi suất ở các nước phát triển đang ở mức thấp, đồng thời do triển vọng kinh tế không mấy chắc chắn nên nhu cầu đầu tư không cao.

Chúng ta không thể “sao chép” cách thế giới làm mà từ những kinh nghiệm đó, phải tìm ra cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Thực tế vừa qua, đã có nhiều quyết sách như vậy được thực hiện. Đơn cử ngay tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết trao cho Chính phủ thẩm quyền thực hiện các biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với pháp luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch, ưu tiên sử dụng ngân sách và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chi cho công tác phòng, chống dịch. Gần đây nhất là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30.9 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, để có thêm nguồn lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ điều chỉnh lại kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng trần nợ công trong 3 năm đầu (2011 - 2023) và giảm dần trong 2 năm cuối để tổng thể 5 năm nằm trong khung khổ mục tiêu kế hoạch, nhất là khi mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp. Chính phủ cũng có thể báo cáo Quốc hội để sử dụng khoản cải cách tiền lương trong ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi lộ trình cải cách tiền lương được lùi lại một năm. Với các địa phương cũng có thể sử dụng thẩm quyền đã quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành, theo đó, căn cứ tình hình thực tế và khả năng, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn.

Những quyết sách đúng đắn trong bố trí nguồn lực tài chính công bên cạnh việc động viên các nguồn lực xã hội và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp gia tăng và bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống Covid-19 được sử dụng hiệu quả hơn, từ đó tiến nhanh đến kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế.  

TS. Trần Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách