Làm rõ hơn chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển dược liệu
Tại thảo luận Tổ, các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cũng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc. Trong đó, có bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý…
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) và nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển cây dược liệu.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật chưa làm rõ các chính sách đầu tư và thúc đẩy phát triển dược liệu. Khoản 5, Điều 1, dự thảo Luật đề cập đến việc ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với ngành dược liệu, song mới chỉ nêu ra các dự án mang tính chất nhỏ lẻ như các bài thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam được ưu đãi. Do đó, cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi, phát triển vùng dược liệu mang tính chất liên vùng, phát triển ngành công nghiệp dược.
Liên quan đến quy định bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc và chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm” đối với các hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc (sửa đổi bổ sung điểm a Khoản 10 Điều 6, Khoản 3 Điều 78, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 79), các đại biểu nêu thực trạng thời gian vừa qua có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo tràn lan, thông qua các kênh quảng cáo nhiều sản phẩm thuốc được “thần thánh” hóa công dụng; thậm chí có một số loại thuốc còn được “thổi phồng” có thể chữa bách bệnh, khiến cho người dân hiểu sai về thuốc và sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua các loại thuốc được quảng cáo đó mà công năng chữa bệnh không đúng như quảng cáo.
Từ thực trạng này các đại biểu cho rằng, thay vì chuyển hoàn toàn quản lý quảng cáo thuốc sang cơ chế “hậu kiểm” thì cần tăng cường hơn nữa cả “tiền kiểm” và “hậu kiểm”. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về quảng cáo thuốc...
Quản lý chặt chẽ giá thuốc
Về quản lý giá thuốc(sửa đổi Khoản 3 Điều 107, các Điều 109, 110, 112, 113 và 114), ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng, qua đó bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý.
Về bổ sung oxy y tế vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng cần phải đánh giá ký về nội dung này do oxy y tế không phải là thuốc và cũng không phải là nguyên liệu để sản xuất ra thuốc.
Theo đại biểu, trước đây, khí y tế (bao gồm oxy y tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thiết bị y tế (Nghị định số 36/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 169/2018/NĐ-CP). Đến năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để thay thế 2 Nghị định trên đã đưa khí y tế ra khỏi phạm vi điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cũng không có văn bản pháp lý nào quy định oxy y tế là thuốc mà trong Thông tư số 20/2022/TT-BYT thì oxy dược dụng đang được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Chính vì vậy, khí y tế nói chung và oxy y tế nói riêng hiện không có văn bản pháp lý nào quy định quản lý. Nếu xảy ra vấn đề gì liên quan đến oxy y tế hay có sự cố y khoa thì ko biết cơ quan nào chịu trách nhiệm, đại biểu đặt vấn đề.