Bảo đảm cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt tôn giáo

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:45 - Chia sẻ
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến ngày 31.12.2020, cả nước có gần 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, tăng khoảng 5.800 cơ sở so với năm 2008. Hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa, nhiều nơi được xây mới (chỉ tính riêng năm 2020, cả nước có 192 cơ sở thờ tự được xây mới và 230 cơ sở thờ tự được sửa chữa).

Nơi thờ tự là một trong những điều kiện bảo đảm sinh hoạt tôn giáo của tín đồ nên được chính quyền rất quan tâm. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, ngoài các cơ sở thờ tự theo truyền thống (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường…), theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, còn có địa điểm hợp pháp phục vụ sinh hoạt tôn giáo là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật.

	Lễ ra mắt điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Đạo tràng Tường Vân tại Hậu Giang - Nguồn: www.phatgiaohaugiang.org.vn
Lễ ra mắt điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung Đạo tràng Tường Vân tại Hậu Giang 
Nguồn: www.phatgiaohaugiang.org.vn

Chỉ tính riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hiện có 9 điểm nhóm Tin lành với khoảng 2.400 tín đồ là người Hàn Quốc, trong đó có 6 điểm nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; 3 nhóm còn lại đang hoàn thiện thủ tục đăng ký. Ngoài ra, có khoảng 1.000 người nước ngoài theo đạo Tin lành thuộc 40 quốc tịch khác nhau, đang làm việc tại Hà Nội; năm 1995 họ tự thành lập “Hội thánh Tin lành Quốc tế Hà Nội” để sinh hoạt tôn giáo; năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận để Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) thuê hai địa điểm làm nơi sinh hoạt tôn giáo tạm thời cho Hội thánh này.

Các ban, ngành chức năng liên quan đã thống nhất hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng được thực hiện theo đúng pháp luật. Các địa phương đã lập Ban Chỉ đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực, Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) xác nhận tư cách pháp lý cho các cơ sở tôn giáo và người đứng đầu cơ sở tôn giáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo và chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo thông qua các hội nghị tập huấn, các buổi gặp gỡ, tiếp xúc, cơ bản tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và chức sắc các tôn giáo trong việc giải quyết nhà, đất liên quan đến tôn giáo.

Tính đến hết tháng 12.2020, số cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 74,96% tổng số cơ sở. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã xem xét nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức tôn giáo và giải quyết, cấp đất cho các tôn giáo để mở rộng cơ sở thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ.

Như Thái Nguyên, theo báo cáo đến tháng 8.2020, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 186/227 cơ sở tôn giáo (đạt 82%). 41 cơ sở tôn giáo chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa xác định rõ ranh giới đất đai của cá nhân và cộng đồng, hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo chưa chủ động trong việc phối hợp, đề nghị kê khai, kiểm đếm đề nghị cấp đất.  

Ghi nhận qua đợt giám sát năm 2020 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), nhu cầu đất tín ngưỡng, tôn giáo rất lớn. Đối với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), “việc xây mới công trình tôn giáo là nhu cầu lớn và cấp thiết”. Theo Phó Hội trưởng 1 Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Mục sư Bùi Văn Sản, trong số 1.225 Hội thánh và Điểm nhóm trực thuộc hiện nay, mới có 14 nhà thờ, 273 nhà nguyện, số còn lại đang thuê, mượn địa điểm sinh hoạt.

Diện tích đất dành cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được các địa phương xác định trên cơ sở thống kê, kiểm kê đất đai, rà soát, công nhận quyền sử dụng và xem xét, bố trí trong phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010 - 2020, đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo từng vùng kinh tế - xã hội đều có xu hướng tăng theo thời gian. So với năm 2003, đất cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự của Phật giáo, Công giáo và Cao Đài tăng nhiều nhất về mặt diện tích (Phật giáo tăng 3,6 lần, Cao Đài tăng 3 lần và Công giáo tăng 2,4 lần).

Theo Bộ Xây dựng, cần tổ chức rà soát, thống kê và cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cụ thể đến các tổ chức tôn giáo hợp pháp trên địa bàn trong việc lập và điều chỉnh các đồ án quy hoạch; đề nghị các tổ chức này chủ động rà soát nhu cầu và đề xuất để được xem xét, bổ sung trong kỳ quy hoạch.

Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ thì lưu ý, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về đất đai, tránh lãng phí, tùy tiện. Quy mô cấp đất phải phù hợp với sự phát triển của tôn giáo đó cũng như tình hình địa phương.

Hương Linh