Bảo đảm cho người cao tuổi hưởng thụ các thành quả phát triển

- Thứ Hai, 26/10/2020, 14:24 - Chia sẻ
Đó là phát biểu của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Hội nghị biểu dương cán bộ hội người cao tuổi tiêu biểu toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - gương sáng” giai đoạn 2015 - 2020 (26.10).

Phát huy tinh thần “tuổi cao gương sáng”

Bà Lê Thị Nhớ là một tấm gương tiêu biểu trong công tác vận động người cao tuổi ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng trong việc bảo vệ môi trường. Với vai trò là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi của quận, bà Nhớ đã vận động các cụ hội viên tham gia các chương trình nạo vét khơi thông các hồ, kênh, xử lý ô nhiễm, bảo đảm môi trường sống cho người dân trong quận. Ngoài ra, bà Nhớ còn cùng các hội viên vận động con cháu trong gia đình hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Nhờ sự vận động tích cực, nhiều hội viên người cao tuổi đã trở thành nòng cốt trong phong trào phân loại rác tại nguồn. Những rác thải như nhựa, kim loại đều được các cụ thu gom và bán để lấy tiền giúp đỡ cho trẻ em nghèo và các cụ già neo đơn.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, mỗi năm có khoảng 1,1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ. Theo báo cáo của Văn phòng Chủ tịch nước, trong 5 năm từ 2016 - tháng 10 năm 2020 có hơn 39.000 cụ tròn 100 tuổi được Chủ tịch nước tặng quà và gửi thiệp mừng thọ. Từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội, khoảng 95% người cao tuổi đã có thẻ bảo hiểm y tế, hơn  1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe…

Từ các hành động cụ thể của Hội Người cao tuổi quận Thanh Khê đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường trong quận. Hiện nay, quận Thanh Khê không còn điểm nóng về môi trường, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh bảo đảm. Cầm trên tay tấm bằng khen của Hội Người cao tuổi Việt Nam, bà Nhớ chia sẻ, “tôi không nghĩ là có ngày mình lại nhận được bằng khen của hội, thực tế tôi chỉ suy nghĩ phải làm hết trách nghiệm và cùng những người cao tuổi giúp thành phố sạch đẹp hơn”.

Bà Nhớ chỉ là một trong số rất nhiều tấm gương trên cả nước về người cao tuổi tham gia xây dựng tổ quốc. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Hội Người cao tuổi đã phối hợp với các Bộ, ban ngành thực hiện các chương trình “Triệu áo ấm cho người cao tuổi”, chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi”… và đạt được nhiều thành tựu lớn.

Thay mặt Lãnh đạo, Đảng và Nhà nước, phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, suốt 5 năm qua (giai đoạn 2015 - 2020), đội ngũ cán bộ Hội Người cao tuổi Việt Nam đã gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trở thành các tấm gương ông bà mẫu mực cho thế hệ trẻ…. 

“Bằng uy tín và kinh nghiệm phong phú, người cao tuổi đã làm tốt vai trò hòa giải những bất đồng xảy ra trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm, củng cố tinh thần đoàn kết, tham gia khuyến học, khuyến tài, giáo dục thế hệ trẻ, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc” - Phó Chủ tịch nước nói.

Phát huy vai trò của người cao tuổi

Bên cạnh những thành tựu, công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa đồng đều, hoạt động người cao tuổi ở một số nơi còn dừng lại ở hình thức thăm hỏi, động viên.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, Hội Người cao tuổi các địa phương cần quan tâm các nhu cầu cơ bản của người cao tuổi như ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, giao tiếp…, đặc biệt là người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp; người cao tuổi sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số…  

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 13 cá nhân xuất sắc
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 13 cá nhân xuất sắc

Nhắc đến tác động của đại dịch cũng như thiên tai, Phó Chủ tịch nước chia sẻ, người cao tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Thêm vào đó, già hóa dân số nước ta đang tăng, tuổi thọ trung bình người Việt là 65,2 (năm 1989) lên 74 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Do đó, phải phát triển chuyên ngành lão khoa; phát triển các cơ sở an dưỡng, chăm sóc người cao tuổi; cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu về thông tin, sinh hoạt, văn hóa, giải trí cho người cao tuổi…

"Phải bảo đảm cho người cao tuổi bình đẳng, cơ hội, tham gia và hưởng thụ các thành quả phát triển. Các cấp uỷ, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục thực hiện tốt Luật Người cao tuổi, cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi" - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.              

Được biết, trong số 325 đại biểu được bình chọn có 20 đại biểu có thời gian làm lãnh đạo Hội các cấp từ 20 - 25 năm, 176 đại biểu có từ 10 - 19 năm làm lãnh đạo. Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 13 cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” giai đoạn 2015 - 2020.

Tùng Dương