Cách đây 75 năm, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô khi đó là Vyacheslav Molotov và người đồng cấp trong chính quyền Hitler, Joachim von Ribbentrop, đã ký văn kiện quan trọng này, còn có tên gọi là Hiệp ước Hitler - Stalin hay Hiệp ước Ribbentrop - Molotov. Nội dung tài liệu có thời hạn 10 năm nay là bảo đảm tính trung lập của Liên Xô hoặc Đức trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Ba Lan hoặc một cường quốc phương Tây khác. Đồng thời, hiệp ước còn có điều khoản quan trọng khác, được giữ bí mật trong một thời gian dài trước khi lộ sáng, đó là cho phép Moscow được lấy lại vùng đất thời Nga hoàng thua trận bị mất gồm vùng Tây Ba Lan, vùng Baltic, Đông Nam châu Âu. Đổi lại, Đức sẽ lấy lại vùng lãnh thổ bị mất trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau khi ký hiệp ước, Hitler đã ra lệnh tấn công Ba Lan, đánh dấu thời điểm bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Với việc tấn công Liên Xô ngày 22.6.1941, hiệp ước đã bị vô hiệu hóa.
Theo các chuyên gia phương Tây, với nội dung và điều khoản bí mật trên, hiệp ước Liên Xô - phát xít Đức mang nhiều màu sắc chia rẽ Đông Âu. Họ cho rằng văn kiện này là minh chứng sinh động về tầm ảnh hưởng của các chính sách của các nước lớn, thường có điểm khởi đầu là những bước đi phòng vệ và có thể khiến các cường quốc thâu tóm các nước nhỏ.
Trở lại với tình hình Ukraine hiện nay, những diễn biến tại đây khá tương thích với châu Âu cách đây hơn 7 thập kỷ trước khi Kiev đang trở thành chiến trường giữa một bên là phương Tây và một bên là Nga. Theo kế hoạch, cuối tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Kiev với mục tiêu tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.200 người giữa lòng châu Âu này và một lần nữa đẩy châu lục vào tình trạng chia rẽ hơn bao giờ hết.
Theo bà Susanna Hast đến từ Trung tâm Xung đột, phát triển và xây dựng hòa bình thuộc Viện Graduate ở Geneva, trên thực tế, các nước lớn thường tìm cách chi phối các nước nhỏ. Với tình hình Ukraine hiện nay, có thể đồng hóa khái niệm trên với “xuất khẩu nền dân chủ”. Liên minh châu Âu đang tìm cách mở rộng nền dân chủ thông qua cái gọi là “chính sách láng giềng”, theo đó, các thỏa thuận thương mại đi kèm với những yêu cầu về dân chủ, chống tham nhũng và cải cách thị trường tự do. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine khởi nguồn từ một hiệp định thương mại kiểu như vậy giữa EU và Kiev, dẫn tới việc Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych bị lật đổ và một chính quyền than phương Tây mới được dựng lên.
Theo bà Hast, Nga nỗ lực củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình xuất phát từ thực tế cảm nhận rằng đang bị các nước đối thủ dòm ngó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố Ukraine không có nhiều lựa chọn – hoặc là Moscow hoặc là Brussel để tạo dựng “tầm ảnh hưởng”.
Nhìn lại lịch sử, Ukraine từng là một phần lãnh thổ của Nga và điều này luôn tồn tại trong suy nghĩ của ông Putin cùng các cộng sự. Về địa lý, Ukraine có chung đường biên giới rất dài với Nga. Cộng đồng người Nga là cộng đồng thiểu số lớn nhất tại Ukraine. Về kinh tế, Nga là đối tác lớn nhất của Ukraine, cung cấp đến 60% nhu cầu khí đốt và 1/2 nguyên liệu thô cho nước này và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine. Tất cả các biện pháp hỗ trợ mà Mỹ và EU dành cho Ukraine khó có thể được thực hiện nếu không được sự đồng ý của Nga. Nói cách khác, để trở thành một đất nước theo mô hình hiện đại, Ukraine cần có sự chấp thuận và hợp tác của cả Nga lẫn các nước láng giềng thân phương Tây. Với việc Nga và Mỹ ngày càng có những cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Nam Ukraine, một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại đây là không tránh khỏi. Cuộc xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine giờ đây đã nhanh chóng chuyển sang hình thức của một cuộc nội chiến. Dường như ở đây có dáng dấp của một hiệp định Xô – Đức mà từng bị đánh giá là gây chia rẽ châu Âu.