Theo kế hoạch mới của Bộ Giáo dục Singapore, từ nay đến năm 2020, tại Singapore, cứ 10 người trong mỗi bậc học phổ thông sẽ có 4 người có một vị trí tại một trường đại học trong nước. Tỷ lệ 40% này tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, liệu có nên đặt mục tiêu cao hơn, hay nên hạn chế bớt?
Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore đang ở giai đoạn chín muồi và ngày càng phát triển, nước này cần có một nguồn nhân công với tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực. Nếu ngày càng có nhiều người Singapre trở nên xuất sắc và tích lũy được nhiều kiến thức hơn từ một nền giáo dục bậc cao, Chính phủ nên xem xét việc tăng cường tỷ lệ theo học đại học.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung có phần đúng khi cho rằng đại học không phải là con đường tốt nhất cho tất cả mọi người: “Trong kỷ nguyên mà mọi thông tin đều có thể tra cứu trên Google, các kỹ năng chỉ là phần thêm, chứ không thể hiện được cấp bậc”.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Google nhận thức được điều này và đã lấy đó làm tiêu chuẩn để áp dụng vào thực tế tuyển dụng nhân sự. Google đã nghiên cứu các số liệu phân tích trong nhiều năm để từ đó hình thành phương pháp tuyển dụng nhân sự một cách phù hợp nhất. Họ nhận ra rằng, không có sự liên quan nào giữa các nhân viên làm việc tốt với những trường đại học mà những người này theo học hay bằng cấp sở hữu. Từ đó, Google đã tuyển dụng rất nhiều nhân viên không có bằng cấp gì.
Tuy nhiên, người Singapore hiện vẫn chưa hoàn toàn tin vào sự thực trên. Đó là lý do vì sao vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh việc họ đang theo đuổi các loại bằng cấp. Một đầu bếp trẻ muốn làm việc tại những nhà hàng hàng đầu thế giới, liệu anh ta có cần một tấm bằng kinh tế hay không? Lời khuyên là, anh ta nên tích lũy một số kinh nghiệm làm việc và trau dồi các kỹ năng đầu bếp của mình. Sau đó, anh ta có thể theo đuổi các khóa học để có chứng chỉ kinh tế khi quyết định mở một nhà hàng hay làm kinh doanh trong các lĩnh vực có liên quan đến thực phẩm.
Nhiều người vẫn tin rằng những ai chỉ có chứng chỉ nghề nghiệp sẽ kiếm được ít tiền hơn so với những người có bằng cấp cao. Thực tế là những người sử dụng lao động, trong đó có cả các cơ quan nhà nước, thường có những mức chi trả cao hơn cho những người có bằng cấp.
Tuy nhiên, ngoài các ngành nghề chuyên sâu đòi hỏi kỹ năng đặc biệt (như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư), nhiều ngành nghề khác hiện cần thể hiện sự công bằng hơn trong việc chi trả cho những người có và không có bằng cấp. Chẳng hạn trong các công việc kinh doanh, tiếp thị, du lịch, quản lý sự kiện, chắc chắn là các kỹ năng, sự nỗ lực và năng khiếu tự nhiên là những điều quan trọng hơn để đi đến thành công.
Vì vậy, theo nhiều nhà phân tích, những người sử dụng lao động ở Singapore cần thay đổi cách tuyển dụng, công nhận và khen thưởng nhân viên. Chỉ khi đó, người lao động mới nỗ lực đạt được những kỹ năng thực sự cần, thay vì theo đuổi bằng cấp.