Văn học bù đắp cho những gì khoa học đã bỏ lỡ
"Tôi đọc Dân du mục của Ilyas Yesenberlin từ hồi còn là sinh viên. Những người Kazakhstan hiện nay nếu chưa đọc tác phẩm này một lần thì được coi là người chưa đủ kiến thức", Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov chia sẻ tại buổi ra mắt tác phẩm sáng 14.5.
Tại sao bộ tiểu thuyết Dân du mục quan trọng với người dân Kazakhstan như vậy? Đại sứ Yerlan Baizhanov cho hay, tác phẩm này có nhiều chi tiết nói về lịch sử Kazakhstan trong 500 năm hình thành đất nước. Có những dữ liệu chúng ta sẽ không thể tìm kiếm ở đâu khác ngoài tác phẩm này. Đọc hết tác phẩm là có một lượng kiến thức để hiểu về lịch sử quốc gia, dân tộc Kazakhstan.
Nhiều ý kiến cho rằng, bộ tiểu thuyết đồ sộ của nhà văn Ilyas Yesenberlin minh chứng cho quan điểm, văn học bù đắp những gì khoa học đã bỏ lỡ. Bộ tiểu thuyết như bản trường ca chứa những tư liệu mà người đọc chưa hề biết đến, giúp soi sáng hiện thực sôi động trong cuộc sống hằng ngày suốt chiều dài từ đầu thế kỷ XV - XIX, xảy ra trên thảo nguyên Kazakh vốn nằm ở ngã ba châu Á và châu Âu.
Theo dịch giả Nguyễn Văn Chiến, bộ trường thiên tiểu thuyết này đã mang đến cho độc giả hai điều lưu ý đặc biệt. Một là với Dân du mục, nhà văn Ilyas Yesenberlin đã trả lại Kim Trướng Hãn quốc cho người Kazakh. Mặc dù thực tế là Kim Trướng Hãn quốc đã xuất hiện trên đất Kazakh và vùng đất này chính là quê hương của cộng đồng đó, nhưng sự thật này không được công nhận. Song Ilyas Yesenberlin đã chứng minh người Kazakh thực sự là người thừa kế trực tiếp của Kim Trướng Hãn quốc về địa lý và dân tộc.
"Điều thứ hai trong tiểu thuyết bộ ba Dân du mục, nhà văn hay sử dụng từ "ipmram", một từ gốc từ tiếng Đột Quyết có nghĩa là dân đen, cho thấy ông rất gần gũi với nhân dân. Ông nói rằng nhân dân là người phán xử cao nhất của ông, nhà phê bình của ông và người bảo vệ thân cận nhất của chính ông".
Lịch sử được viết bằng văn học
Qua lời những người kể chuyện, qua những truyền thuyết, độc giả như được quay lại thế kỷ trước, trở về với kỷ nguyên đen tối dưới sự thống trị của các hậu duệ Thành Cát Tư Hãn. Ilyas Yesenberlin đã vẽ nên những bức tranh sinh động và chân thực về những sự kiện bi thảm phức tạp nhất và rất có ý nghĩa trong lịch sử của dân tộc Kazakh từ khi Đế chế Thiếp Mộc Nhi sụp đổ cho đến giữa thế kỷ XIX.
Đó là những trang sử hào hùng thấm đẫm máu xương của những chiến binh chiến đấu giành độc lập dân tộc và xây dựng một quốc gia tự chủ, hùng cường nơi thảo nguyên mênh mông Kazakh. Bởi vậy, Dân du mục được coi là bộ sách lớn nhất viết về văn hóa, lịch sử Kazakhstan dưới dạng văn học.
Như lời Đại sứ Yerlan Baizhanov: "Ilyas Yesenberlin là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về lịch sử Kazakhstan sâu sắc. Ông đã bỏ ra thời gian dài để nghiên cứu kỹ tư liệu, di tích lịch sử, thậm chí nghiên cứu qua các sự tích, bài dân ca được lưu truyền qua dân gian, tập hợp nó trước khi viết sách. Lao động nghệ thuật này khiến tác giả không chỉ là một nhà văn mà thực sự như một nhà nghiên cứu, một nhà viết sử, tìm tòi, thu nhặt các chi tiết lịch sử để ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh, để người Kazakhstan có một bộ sử đồ sộ bằng văn chương".
Bộ tiểu thuyết - biên niên sử Dân du mục gồm 3 tập: Tập 1 Thanh kiếm yêu thuật; Tập 2 Tuyệt vọng; Tập 3 Hãn Kene. Trong ba thập kỷ, bộ tiểu thuyết Dân du mục đã được xuất bản 50 lần, tổng số phát hành 3 triệu bản, được dịch ra 30 thứ tiếng khác nhau và được trao Giải thưởng Nhà nước Kazakhstan.
Chính vì hàm chứa nhiều yếu tố chưa được đề cập nhiều trong sử liệu nên bộ tiểu thuyết Dân du mục càng trở nên giá trị, song đây cũng là thách thức lớn đối với người chuyển ngữ. Dịch giả Lê Đức Mẫn chia sẻ: "Tôi đã dịch rất nhiều cuốn sách nhưng đây là tác phẩm tôi cảm thấy khó khăn nhất từ trước đến giờ. Bởi lẽ, rất nhiều sự kiện lịch sử và tên gọi địa lý trong bộ tiểu thuyết này với tôi đều rất mới. Khó khăn là vậy nhưng tôi cảm thấy rất tự hào vì được là một trong những người đầu tiên đưa văn học, văn hóa Kazakhstan vào Việt Nam, thông qua bộ sách này".
Việc chuyển ngữ bộ ba tác phẩm Dân du mục sang tiếng Việt không đơn thuần là sự kiện phát hành sách thông thường, mà là dấu mốc quan trọng trong kết nối văn hóa giữa Kazakhstan và Việt Nam. Theo Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng, tác phẩm là một kho tư liệu đồ sộ về cuộc sống, sinh hoạt và đời sống tâm hồn của người dân du mục, của nhân dân các bộ tộc trên đất nước Kazakhstan, đặc biệt là về văn hóa thảo nguyên vùng Trung Á - khu vực còn chưa có nhiều tài liệu được giới thiệu ở Việt Nam.
"Đọc Dân du mục, có lẽ mỗi độc giả Việt Nam hiểu và yêu hơn đất nước Kazakhstan với lịch sử dữ dội, thậm chí đẫm máu và nước mắt, với những lựa chọn đầy khắc nghiệt được quy định bởi chính đặc trưng của vùng đất. Ta thấy khát vọng tự do độc lập, khát vọng thống nhất và khát vọng cuộc sống hòa bình, tình yêu và niềm tự hào chan chứa nơi mỗi ngôi lều, mỗi đồng cỏ, mỗi bình sữa, mỗi sớm mai hay mỗi đêm trăng của người dân du mục nơi vùng đất thiêng liêng của mình, của tiền nhân dân tộc Kazakhstan", bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.