Cụ thể nhiều nội dung của quy chế
Theo đó, Quy chế gồm 3 Chương, 30 Điều, trong đó quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh, quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức, người lao động (CCVC), trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong thực hiện quy chế dân chủ.
Quy chế được thực hiện với 7 nguyên tắc thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi công tác: Bảo đảm quyền của CCVC được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền, vai trò nòng cốt của các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.
Trong đó, quyền của CCVC trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị được thể hiện rõ qua 4 điểm: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật, của ngành; đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của quy chế này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh quyền trong thực hiện dân chủ, CCVC thuộc BHXH tỉnh Lai Châu còn có 5 nghĩa vụ: Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chấp hành quyết định phân công công tác, điều động, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị; quy tắc ứng xử của CCVC làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam; thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.
Tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị; thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh; tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Quy chế cũng nêu rõ, BHXH tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm đến quyền thụ hưởng của CCVC thể hiện ở 4 được như: Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của cơ quan, đơn vị; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình công tác, làm việc; được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tạo điều kiện để phát huy tối đa quyền dân chủ
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BHXH tỉnh Lai Châu luôn tạo điều kiện để mỗi CCVC phát huy tối đa quyền dân chủ nhưng cũng rất nghiêm khắc trong giáo dục, đưa rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; lợi dụng việc thực hiện dân chủ để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi dụng việc thực hiện dân chủ để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của CCVC.
Quy chế cũng nêu rõ cách thức xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị: Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức vi phạm quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật,
CCVC lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của quy chế này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đáng chú ý là việc quy chế yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai trong nội bộ cơ quan các nội dung: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến các tổ chức đoàn thể và hoạt động của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị; số liệu phân bổ dự toán thu - chi hằng năm; quyết toán tài chính hằng năm.
Đồng thời, công khai tài chính đối với việc phân bổ quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; công khai quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước; công khai chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí.
Công khai kết luận thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT, kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (nếu có); tiêu chuẩn, định mức, thủ tục hành chính về tài sản công; tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được giao quản lý, sử dụng...
Chấp hành nghiêm các quy định của quy chế
Đối với công tác tuyển dụng, tiếp nhận, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, quy hoạch, chuyển đổi vị trí công tác; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, chấm dứt hợp đồng làm việc; đi công tác nước ngoài; giải quyết chế độ, nâng lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại CCVC hằng quý, năm; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với CCVC; các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị; kết luận của cấp có thẩm quyền về vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các nội dung như: Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trong nội bộ cơ quan (nếu có); nội quy, quy chế, quy định của cơ quan; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị; kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của CCVC về những nội dung CCVC tham gia ý kiến quy định tại Điều 17 của Quy chế này; văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị; nội dung khác theo quy định của pháp luật cũng được quy định rõ ràng, cụ thể trong quy chế.
Riêng về hình thức và thời điểm công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị, yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện có trách nhiệm niêm yết thông tin; thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; thông báo tại hội nghị CCVC của cơ quan, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến toàn thể CCVC tại cơ quan, đơn vị; Thông qua Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để thông báo đến CCVC; thông báo bằng văn bản đến các chi bộ trực thuộc, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cơ quan, đơn vị để thông báo đến CCVC tại cơ quan, đơn vị; các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ của cơ quan, đơn vị. Chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, quy chế quy định chi tiết về nội dung, hình thức CCVC bàn và quyết định, được tham gia ý kiến, được kiêm tra, giám sát, tổ chức hội nghị CCVC định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan; có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến CCVC.
Với giao ban Thanh tra nhân dân, hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; mọi ý kiến, phản ánh của CCVC được phản ánh trung thực đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để kích động, dụ dỗ, lôi kéo CCVC để thực hiện các hành vi trái pháp luật; làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Đồng thời, yêu cầu văn phòng, các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc và toàn thể CCVC trong cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quy chế.
Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ BHXH tỉnh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan và các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh.