Bám sát Nghị quyết 41 –NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí

- Thứ Năm, 05/05/2022, 16:51 - Chia sẻ
Ngày 5.5, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến một số dự án Luật trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đồng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 4 dự án luật gồm: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là những dự án luật quan trọng, được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Hội nghị nhằm tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Dân tộc, các chuyên gia, các đại biểu đại diện cho các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương có liên quan, ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phục vụ cho nhiệm vụ tham gia phối hợp thẩm tra các dự án luật tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đã tham gia ý kiến về 2 dự án Luật. Cụ thể, đối với dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), các đại biểu nhất trí mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng bao gồm cả hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và dầu khí phi truyền thống để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác các nguồn dầu khí mới ở Việt Nam.

Qua rà soát dự án Luật, các đại biểu cho rằng, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) cần tiếp tục bám sát Nghị quyết 41 – NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23.7.2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, làm rõ hơn khái niệm điều tra cơ bản; rà soát, bổ sung các chủ thể điều tra cơ bản; rà soát quy định về chính sách nhà nước về dầu khí để bảo đảm tính cụ thể, khả thi, như quy định về chính sách khuyến khích của nhà nước đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, người nước ngoài tham gia điều tra cơ bản về dầu khí, hoạt động dầu khí… Rà soát quy định về áp dụng Luật Dầu khí với các luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế. Tăng cường phân công, phân cấp quản lý; rà soát các quy định về hợp đồng dầu khí; phê duyệt hợp đồng dầu khí, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Quang cảnh Hội nghị

Đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi luật cần bảo đảm phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các khuyến nghị của Ủy ban các Công ước nhân quyền; đồng thời phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của nước ta.

Một số đại biểu đề nghị cần sớm triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về bạo lực gia đình. Bởi hiện nay, công tác thống kê về bạo lực gia đình dù được thực hiện hàng năm với sự tham gia của nhiều cơ quan, nhưng các báo cáo của các cơ quan này lại chưa có sự liên thông, dẫn đến không thống nhất, không đồng bộ về số liệu báo cáo. Theo đó, các ý kiến gợi mở dữ liệu quốc gia về bạo lực gia đình nên có số liệu đánh giá về bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế...; bổ sung thêm số liệu phân tích giới, qua đó có đóng góp quan trọng đối với việc xây dựng chính sách bình đẳng giới.

Hội nghị sẽ làm việc đến ngày 7.5.2022. 

Hoàng Ngọc