Coi chủ động ứng phó, xử lý là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị
Theo Đoàn khảo sát, thời gian qua, với vai trò Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức, triển khai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chính sách, pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thực hiện. Đồng thời, ban hành văn bản phối hợp, tổ chức, thực hiện từ công tác phòng ngừa đến quy trình khắc phục, ứng phó xử lý khắc phục, quy chế phòng chống, trình tự thực hiện, công tác cảnh báo, hỗ trợ trước mắt và lâu dài…
Đáng chú ý, Sở đã kịp thời, phối hợp công tác, bảo đảm hoạt động, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ trong ứng phó, xử lý với tinh thần chủ động phòng ngừa; phòng chống, ứng phó ngày càng hiệu quả. Đồng thời, xem đây là trách nhiệm, việc làm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; hạn chế tình trạng đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn cấp tỉnh cũng đã kịp thời đề xuất phương án đầu tư khắc phục những điểm sạt lở có tính chất nguy hiểm, mang tính bức xúc. Tuy nguồn đầu tư hỗ trợ còn hạn chế so với nhu cầu thực tế nhưng cho thấy sự quan tâm của chính quyền, các ngành chuyên môn tham mưu đầu tư, khắc phục giải quyết kịp thời tình huống trước mắt. Bên cạnh việc triển khai các giải pháp công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh còn phối hợp với các địa phương vận động, thực hiện xã hội hoá với một số giải pháp phi công trình, như: giữ nuôi lục bình, trồng bần, rào chắn, cảnh báo… Đến nay, đã có một số mô hình mang lại hiệu quả; kể cả gắn với việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng ghi nhận với tinh thần trách nhiệm, Sở kịp thời việc rà soát, công bố kịp thời tình huống khẩn cấp thiên tai về sụt lún, sạt lở trên địa bàn; có phương án khắc phục nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra; tham mưu đầu tư nhiều tuyến kè kiên cố, góp phần giữ ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân… Sở đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam sớm triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá, để trình phê duyệt bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng. Từ đó, góp phần thực hiện tốt hơn công tác dự báo, cảnh báo, ngăn chặn các tác động bất lợi đến sự ổn định của bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở trên địa bàn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở bờ sông nói riêng một số thời điểm chưa kịp thời. Nhận thức của một số người dân trong khu vực sạt lở bờ sông chưa cao, ít quan tâm, xem đó là việc của nhà nước mà chưa thấy trách nhiệm của cá nhân. Mặt khác, kinh phí bố trí đầu tư hàng năm cho công tác ứng phó, xử lý và phòng, chống sạt lở bờ sông còn rất hạn chế. Cụ thể, từ năm 2021 đến thời điểm hiện tại, nhu cầu cần đầu tư khắc phục các điểm sạt lở bờ sông hơn 3.000 tỷ đồng nhưng số kinh phí chi khắc phục còn khiêm tốn 12,3 tỷ đồng.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng lưu ý, công tác quản lý nhà nước đối với các hành vi xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ lấn chiếm bờ sông, kênh rạch còn khó khăn. Việc ngăn chặn chưa kịp thời, xử lý chưa kiên quyết. Thiết kế dự án và giải pháp thi công, thực hiện việc khắc phục sạt lở một số công trình thủy lợi, giao thông kết hợp thủy lợi chưa phù hợp, đôi khi làm gia tăng sạt lở, như: việc lấy đất gần bờ, lấy đất quá sâu làm mất chân taluy của bờ sông, kênh rạch, gây sạt lở...
Ưu tiên công tác dự báo, phát hiện các khu vực có nguy cơ cao
Trước những tồn tại hạn chế nói trên, Đoàn giám sát kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để tham mưu cho UBND tỉnh với làm tốt công tác dự báo, phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất để kịp thời cảnh báo cho người dân, không để bị động, bất ngờ, thiệt hại về tính mạng người dân.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống thiên tai nói chung và phòng, chống sạt lở bờ sông nói riêng. Quan tâm công tác tập huấn, hướng dẫn diễn tập các hoạt động ứng phó, xử lý thiên tai nói chung và sạt lở bờ sông nói riêng. Đẩy mạnh phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư cho người dân; thực hiện các công trình thủy lợi, giao thông có tính căn cơ, đồng bộ.
Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra, góp ý thẩm định phương án thi công các công trình thủy lợi để có giải pháp thi công hợp lý, không gia tăng nguy cơ sạt lở do yếu tố chủ quan khi xây dựng công trình. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung nâng các chính sách trợ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ khôi phục sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, tái thiết lại sản xuất hoặc hỗ trợ nơi tái định cư…
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị, cần kịp thời rà soát, gia hạn cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2025; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát gia hạn khai thác cát lòng sông, nhất là khai thác cát trái phép, khai thác sai vị trí cấp phép. Cùng với đó, tham mưu trình UBND tỉnh sớm phê duyệt thông qua Đề án: “Đánh giá, thăm dò trữ lượng cát lòng sông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
Đối với UBND tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị, quan tâm, rà soát, cân đối, bố trí nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện đầu tư khắc phục các đoạn bờ sông, khu vực đô thị đã sạt lở trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Trong kế hoạch vốn xây dựng cơ bản giai đoạn trung hạn 2026 - 2020, cần quan tâm đầu tư các công trình, dự án phòng, chống sạt lở; bố trí nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai nhằm hỗ trợ di dời hộ ven sông vùng có nguy cơ bị sạt lở, ổn định nơi ở, giai đoạn 2025 – 2030.
Trong công tác quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng cần chú ý kết hợp tính lưỡng dụng trong các dự án giao thông - thủy lợi, bảo đảm tuổi thọ công trình. Đồng thời, quan tâm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo sinh kế của người dân khu vực đầu tư dự án. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản đất, cát trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn; kiên quyết xử lý các vi phạm ảnh hưởng đến bờ sông.
Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với đội ngũ chuyên gia, các viện khoa học để nghiên cứu, khảo sát làm cơ sở vững chắc tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng. Qua đó, góp phần thực hiện tốt hơn công tác dự báo, cảnh báo, ngăn chặn các tác động bất lợi đến sự ổn định của bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở trên địa bàn trong thời gian tới.