Chung tay chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam/dioxin

Bài cuối: Tạo cơ chế xã hội hóa

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:57 - Chia sẻ
Mặc dù Nhà nước cùng nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quan tâm giúp đỡ, nhưng đời sống, thu nhập của nhiều nạn nhân chất độc da cam và gia đình vẫn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực đến từ nhiều bên, từ việc hoàn thiện chính sách đến việc huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Hoàn thiện chính sách

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14.5.2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tiếp tục thực hiện Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, ngày 24.11.2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5305/QĐ-BYT phê duyệt Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021.

Dự án có mục tiêu cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng.

Dự án được triển khai thực hiện ban đầu ở 10 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre với tổng nguồn vốn là 72,3 tỷ đồng, được cân đối chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy do nhiều yếu tố nên công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người, đặc biệt giảm thiểu nỗi đau, gánh nặng cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam không phải là câu chuyện có thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Công tác này đòi hỏi sự nỗ lực đến từ nhiều bên, từ việc hoàn thiện chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đến việc huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà cho biết, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tập trung đánh giá, nghiên cứu, đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Người có công, Luật Người khuyết tật và các luật liên quan. Chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật; phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) rà soát các đối tượng chưa được hưởng chính sách hoặc đã được hưởng nhưng chưa đúng để thực hiện đúng và đủ.

Khuyến khích xã hội hóa

Thực tế cho thấy, hàng năm Nhà nước dành khoản chi phí lớn để chăm sóc sức khỏe nạn nhân; riêng tiền trợ cấp các nạn nhân chất độc da cam mỗi năm tới hàng nghìn tỷ đồng. Hiện, có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam được hưởng chính sách người có công với cách mạng; hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí...

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước khó có thể bảo đảm chăm sóc và phục hồi cho nạn nhân da cam bởi thực tế ngoài nạn nhân da cam đất nước còn rất nhiều đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người nghèo, trẻ mồ côi… cần sự trợ giúp xã hội từ Nhà nước. Bởi vậy, giải pháp hiệu quả chính là thu hút xã hội hóa. Để làm được điều này cần tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện, nhằm hỗ trợ tốt nhất về mọi mặt cho nạn nhân, tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng.

Được biết, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đang có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác huy động nguồn lực xã hội. Tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và VAVA đã ký thỏa thuận hợp tác về việc “Hỗ trợ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vận động tài trợ cho nạn nhân chất độc da cam công cụ sản xuất và dụng cụ, thiết bị phục vụ cuộc sống”.

Theo thống kê của VAVA, cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, đang nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Riêng VAVA có 26 trung tâm nuôi dưỡng phục hồi chức năng, dạy nghề và 11 cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam...

Theo thỏa thuận, hai bên cùng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện vào đầu mỗi quý; cùng tuyên truyền các nội dung phối hợp trên các phương tiện truyền thông của VAVA; VAVA chỉ đạo các tỉnh, thành Hội lựa chọn những gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kêu gọi các Hội doanh nhân trẻ địa phương hưởng ứng, triển khai chương trình… Đây có thể coi là chương trình hợp tác mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận, giúp đỡ thiết thực cho nạn nhân chất độc da cam.

Chủ tịch VAVA, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong đó, cần xác định chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và cả hệ thống chính trị. Nhiệm vụ đó phải được xác định trong nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện của từng cấp; nhất là trong chương trình an sinh xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương.                     

Thái Yến