Chuẩn hóa để hiện đại hóa
“Hiện tại, hoạt động quảng bá cho áo dài nam ngũ thân tay chẽn vẫn tập trung vào các lễ hội cũng như đa số gắn với di tích đình, chùa hoặc các công trình cổ kính. Các không gian văn hóa đó tạo ra những bức ảnh rất hoàn chỉnh cho áo dài ngũ thân, rõ nét truyền thống. Nhưng vô tình, các bức ảnh “cổ trang” như vậy lại nhấn mạnh thêm ý nghĩ áo dài ngũ thân là trang phục đã cổ, dễ gây cảm giác nó bị chốt cứng vào các không gian cổ kính và sự kiện cổ truyền, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại” - ông Lê Hồng Quang, Trung tâm UNESCO Ca trù Hà Nội, nhận định. "Bởi vậy, việc nghiên cứu, phục hồi trọn vẹn các chi tiết của áo dài ngũ thân vẫn rất cần thiết và đáng làm, song song là hiện đại hóa, tạo ra hình ảnh áo dài ngũ thân gần gũi hơn, đời thường hơn. Muốn đưa áo dài nam ngũ thân tay chẽn truyền thống vào cuộc sống hiện nay, cần diện trang phục đó trong cuộc sống hằng ngày”.
Trong khi đó, ông Tôn Thất Minh Khôi, Giám đốc Truyền thông thương hiệu thời trang cổ phục Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp cho rằng, chúng ta đang ở những bước đầu tiên trong việc chuẩn hóa các tạo hình lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống sau một thời gian rất dài lạc lối vì đứt gãy văn hóa. Đây là bước cần thiết trước khi tiến đến cách tân. Cần xây dựng nền tảng thực sự vững chắc, bổ sung đầy đủ tư liệu, hoa văn, cách phối màu, phom dáng... để những nhà thiết kế thời trang, nhà sáng tạo có thể có kho ý tưởng dồi dào nhưng chuẩn mực cho sản phẩm của họ. Bởi lẽ, nếu cách tân sai lầm, không từ nền tảng hiểu biết vững chắc sẽ dẫn đến rất nhiều trường hợp lạm dụng bốn chữ “trang phục truyền thống” tạo ra những sản phẩm lệch lạc, phản cảm.
Sự đón nhận của người trẻ với phong trào Việt phục ngày càng lớn mạnh. Theo ông Tôn Thất Minh Khôi, cách người trẻ tiếp cận giá trị di sản cũng rất mới mẻ, đa chiều, không bó hẹp từ kiến thức sách vở. Việc này cũng đòi hỏi các đơn vị thay đổi mẫu mã, cách quảng bá, để vừa giữ vững được tinh thần cốt lõi của các dạng thức trang phục, vừa mang hơi thở đương đại.
Trong trào lưu về áo ngũ thân, còn một số vấn đề cần được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ nhân, doanh nghiệp về áo dài ngồi lại với nhau để có giải pháp khắc phục. Bởi kiểu dáng áo dài ngũ thân tuy đã được lan tỏa, được nhiều người định danh “Việt phục” nhưng nhiều đơn vị sản xuất may mặc sai khác, cẩu thả. Mặt khác, chất liệu may áo dài ngũ thân đang được ưa chuộng (ước chừng 60 - 70%) chủ yếu là ngoại nhập…
Phát huy giá trị trong công nghiệp văn hóa
GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, nếu coi áo dài là di sản thì cần bảo tồn, phát huy giá trị, còn nhà thiết kế thời trang được quyền sáng tạo. Chúng ta không nên áp dụng nguyên tắc của di sản với thời trang, như vậy áo dài mới có thể phát triển. Hơn nữa, di sản văn hóa vật thể đòi hỏi tính nguyên gốc, còn di sản văn hóa phi vật thể không ngừng được tái tạo để phù hợp với môi trường xã hội, văn hóa. Nếu khư khư giữ truyền thống thì không khuyến khích người mặc. Bởi thế nên chăng, cần sự uyển chuyển, song song với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống là khuyến khích sáng tạo phù hợp với đời sống đương đại.
Cùng ý kiến, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, phân tích: bảo vệ áo dài trước hết là để phát triển nghề may và tập quán mặc áo dài. Nghề may áo dài vốn là di sản văn hóa phi vật thể, người dân đã sáng tạo ra và vẫn bền bỉ duy trì, rõ nét nhất là tại Thừa Thiên Huế, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, chúng ta giữ áo dài để giữ ký ức của một thời đã qua; đồng thời giới thiệu tới bạn bè thế giới. Trong quá trình này, cần giữ gìn sự đa dạng của áo dài, có cả áo dài ngũ thân và các loại áo dài khác, dựa trên giá trị cốt lõi, từ đó có thể phát huy di sản này trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa.
Thừa Thiên Huế được coi là cái nôi sinh ra áo dài ngũ thân, và “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” cũng đang được triển khai. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhận định, ở Huế cũng như một số địa phương trong cả nước, việc quảng bá, kinh doanh áo dài hiện khá rầm rộ, nhiều tiệm may danh tiếng được phục hồi, có các chương trình trình diễn áo dài, công ty chuyên may và bán sản phẩm áo dài… nhưng dường như vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Như vậy rất khó xây dựng được thương hiệu áo dài và thương mại hóa trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Do đó, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và các nhà sản xuất áo dài để xây dựng, thống nhất việc quảng bá mang tính chiến lược và bền vững.
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết, xây dựng mạng lưới nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài trong cả nước, để có được những giá trị chung và riêng ưu việt nhất về áo dài. Không chỉ liên kết mà còn cần đào tạo những thợ may, nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp, hiểu rõ giá trị của chiếc áo dài, am tường công việc thiết kế - cắt may. Khi có được sự phối hợp tư tưởng, nghệ thuật của nhà thiết kế với kỹ năng cắt may điêu luyện của thợ giỏi thì có khả năng cao trong tạo lập các giá trị thẩm mỹ mới, góp phần nâng tầm áo dài.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần ban hành chính sách, dự án khuyến khích nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp và tôn vinh những nghệ nhân, thợ may tài hoa và các nhà thiết kế sáng tạo vì áo dài Việt Nam.