PHÁT TRIỂN VIỆT NAM: TẦM NHÌN, ĐỔI MỚI VÀ KHÁT VỌNG NĂM 2030 - 2045

Bài cuối: Đổi mới quan hệ giữa tầm nhìn chiến lược với quyết sách sách lược

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 08:43 - Chia sẻ
Loại vấn đề rường cột thứ tư mà chúng ta phải nắm lấy, đó chính là đổi mới mối quan hệ giữa tầm nhìn chiến lược với quyết sách sách lược.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, sự phát triển của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không phải là một cuộc duyệt binh, mà trái lại, là một cuộc cạnh tranh, bứt phá khốc liệt, thậm chí càng gần đây, dù dưới hình thức này hay kia, là sự áp đặt và nô lệ trong thế “quần ngư tranh thực”, là “mạnh được yếu thua”, thậm chí “cá lớn nuốt cá bé”… Qua gần 35 năm, chúng ta càng thấm thía, không có mô hình tiên nghiệm nào cho tất cả các quốc gia, dân tộc trong cuộc cạnh tranh đó, càng khó có sự “tất cả đều thắng” một cách chung chung, ảo tưởng xa vời, nếu nhìn từ tầm chỉnh thể có tính hệ thống với đầy những mâu thuẫn tự nhiên... 

Vì vậy, chưa khi nào như hiện nay, kinh nghiệm lịch sử có vai trò to lớn. Nhưng nó chỉ trở nên hết sức quý giá, nếu được dẫn dắt bởi tầm nhìn viễn kiến mang tầm chính trị chiến lược, khoa học và cách mạng, để đi tới tương lai. Ngược lại, sẽ bị chính nó kìm hãm và trói buộc! Sự thành công của tầm nhìn chính trị chiến lược của chúng ta gần 35 năm đổi mới vừa qua và bài học từ các quốc gia phát triển hùng cường trong thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI cho thấy, suy cho cùng là kết quả tự nhiên của sự thắng lợi bởi bài học giải quyết những công việc quốc gia - dân tộc được định hướng bởi tầm nhìn chính trị thực tiễn. Và cũng chính vì vậy, sau gần 35 năm, chúng ta không chỉ tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ mạnh mẽ hơn mà là đổi mới khác trước và phải khác trước, với nội hàm và cách thức phải khác trước, vì thời thế đã khác, dù trên nguyên tắc lớn và mục tiêu cơ bản là đổi mới xã hội chủ nghĩa, vì và cho chủ nghĩa xã hội.

Nói cụ thể, mối quan hệ giữa tầm nhìn chiến lược và quyết sách chiến lược, chưa khi nào như hiện nay, lại đòi hỏi cần kíp đối với chúng ta đến như vậy. Đó chính là quá trình xử lý sự liên hệ, ràng buộc, phụ thuộc toàn cầu tổng thể với giải quyết một cách thật chủ động, năng động, thiết thực vấn đề địa vị, sức mạnh của đất nước cụ thể một cách chủ động, độc lập và tự chủ. Vấn đề thời và thế là vấn đề chung nhưng sự thành hay bại lại tùy thuộc vào phương lực xử lý riêng của chúng ta. Đặc biệt, trong  một “thế giới phẳng” và không phẳng, khi thời cơ thời gian trở thành lực lượng, thì vấn đề xác lập tầm nhìn toàn cục, bao quát tổng thể  để chủ động hành động cho mình một cách kiên quyết và kịp thời, với phương lược riêng, lại càng trở nên có ý nghĩa thành bại. Nghĩa là, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ. Công cuộc đổi mới 35 năm qua đã cho chúng ta bài học lịch sử vô giá này.  

Vấn đề nổi lên có tính bước ngoặt, chuyển giai đoạn, cần vạch rõ sao cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thấy rằng, nếu Đổi mới 35 năm qua (1986 - 2020) là bằng đường lối đổi mới đưa nước ta từ một nước nghèo, khủng hoảng kém phát triển thành một nước ổn định chính trị xã hội và phát triển trung bình có vị thế lớn trên thế giới thì đổi mới nhịp sóng thứ tư, từ 2015 trở đi là đổi mới, sáng tạo sau 2015, với tên gọi Đổi mới thời kỳ 4.0, bằng đường lối đổi mới phát triển cơ bản để đưa nước ta từ nước phát triển trung bình thấp thành nước phát triển cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI tới, tức từ 20 đến 25 năm tớiNhững mâu thuẫn thật sự gay gắt bậc nhất giữa tiếp tục tụt hậu, phát triển chậm chạp, rơi vào bẫy thu nhập trung bình với yêu cầu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển cao, vững mạnh; thực trạng sa lầy vào tham nhũng lãng phí; ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề với phát triển mạnh mẽ và bền vững; sức ép về chủ quyền, về sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ với ổn định và phát triển, xác lập sức mạnh và uy tín thật sự được coi trọng cao và toàn diện trên trường quốc tế... đang cần kíp hóa phải được giải một cách kiên định, tổng thể, nhưng thấm đẫm nhân văn và tinh tế. Vì thế, không có cách nào khác là phải cải cách, đổi mới thời kỳ 4.0 mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với khát vọng trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này, với một nhà nước thực sự mang tầm kiến tạo, liêm chính, pháp quyền, vững mạnh và giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ quốc gia, tiếp tục nâng cao hơn vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Thời cơ đối với một đời người là quý huống chi vận hội đối với cả một dân tộc! Ở đây, nguyên tắc “Dĩ bất biến ứng vạn biến” luôn phải được giữ vững. Không thể xem quyết sách một dự án nhiều nghìn tỷ đồng lớn hơn việc quyết định bảo vệ chủ quyền từng tấc đất, hòn đảo, mét biển cụ thể, mà thậm chí ngược lại. Đó chính là lẽ “bất biến” vậy. Không có độc lập dân tộc và tự do của nhân dân, chúng ta không có gì hơn. Tầm nhìn xa hay thiển cận nằm ở chính chỗ này. Muốn nên sự nghiệp lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ, thật “cẩn tắc vô ưu”, cần cầm vững cái bất biến một cách thật khôn khéo, quyết không nhân nhượng, càng không thể lùi bước! Trong tình hình chính trị quốc tế hiện nay, càng không thể là lối xử thế giản đơn “lớn trọng bé khinh”, “khi tả khi hữu”… vì số phận quốc gia dân tộc chính là số phận mỗi con người, và nó phải trở thành mệnh đề bất biến, mang tính nguyên tắc. Đó chính là mối quan hệ giữa tầm nhìn chiến lược với quyết sách cụ thể trong sự phát triển đất nước hùng cường, mạnh mẽ và bền vững. Chỉ có tự mình trở nên hùng cường mới có thể tự mình tự quyết, và quyền tự quyết dân tộc mới trở nên bất khả xâm phạm.  

Do đó, hơn bao giờ hết, vấn đề bản lĩnh chính trị quốc gia, trước hết định vị và tập trung ở bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị của đội ngũ lãnh đạo quốc gia, giữ vai trò tiên phong và cực kỳ quan trọng. Nó là sự kết tinh và hội tụ ở đó không chỉ trách nhiệm chính trị, trí tuệ, sự tinh tế, tinh thần dân tộc mà thấm đẫm cả lương tri, sự kinh lịch, sự khoan dung và chủ nghĩa nhân văn, mang hồn cốt, tinh hoa và khí phách của văn hóa truyền thống và hiện đại Việt Nam, trong tầm nhìn toàn cầu, mà hạt nhân trung tâm là lợi ích quốc gia - dân tộc tối thượng, dưới ngọn cờ của Đảng.            

                                                             *

                                                        *        *

10 năm tới, tròn 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam!

25 năm nữa, tròn 100 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!

Để thực thi chiến lược phát triển đất nước trong tầm nhìn năm 2030 tới năm 2045, dưới ngọn cờ của Đảng, từ toàn bộ sự kiến giải trên, có thể gói trọn trong 45 chữ về tầm nhìn chính trị chiến lược sau đây: Xác lập tầm nhìn, định vị chiến lược, khát vọng phát triển Đất nước hùng cường, bền vững; bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất Quốc gia; hòa mục, hội nhập quốc tế; xây dựng Đảng dẫn dắt Dân tộc tiến cùng nhân loại. 

Và, để thực thi nó, cần một triết lý Văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với 16 chữ, phải được bồi đắp và lan tỏa: Quốc gia Tự tôn - Mỗi người Tự trọng - Dân tộc Tự cường - Tổ quốc Phồn vinh!   

Tất cả nhằm xây dựng nước Việt Nam, với 26 chữ: Độc lập, thống nhất, dân chủ, công nghiệp, hiện đại, phồn vinh, văn hiến, giữ vị thế và uy tín xứng đáng trên trường quốc tế.                                                                                                      

Chợt nhớ lại lời cụ Lương Khải Siêu khuyên cụ Phan Bội Châu, vào những năm 20 của thế kỷ XX, cách nay chừng 100 năm, rằng: Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập mà thôi. Điều này mới thật sự cần kíp trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển độc lập và sáng tạo vì và cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam hiện nay, ngay từ chính lúc này.  

Đó chính là tầm nhìn chiến lược, quyết sách kiên định kết tinh phẩm giá, cốt cách và cương lĩnh hành động đổi mới của dân tộc chúng ta, một cách kiên định, sáng tạo và cháy rực khát vọng hùng cường, trong nửa đầu thế kỷ XXI.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản