Gắn quyết sách với thực tiễn đời sống
Mặc dù, là một địa phương còn nhiều khó khăn và đang trên bước đường phát triển song trong quá trình xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển địa phương, cùng với mục tiêu tăng trưởng thì bảo đảm an sinh, "đặt người dân vào trung tâm" luôn được tỉnh Quảng Bình ưu tiên, chú trọng hàng đầu. Nhất quán thực hiện quan điểm này, thời gian qua, HĐND tỉnh với vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cũng luôn xác định gắn các quyết sách với thực tiễn đời sống và bảo đảm độ "bao phủ" của cơ chế, chính sách đến mọi đối tượng thụ hưởng.
Ghi nhận tại kỳ họp thường lệ cuối năm vừa qua, bên cạnh 2 nghị quyết lấy người dân và hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ ở cơ sở làm trung tâm, HĐND tỉnh cũng đã thông qua nghị quyết quy định về một số nội dung, mức độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc được hỗ trợ chi phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí với mức 150.000 đồng/người mỗi năm. Sau khi chấp hành xong quyết định và trở về địa phương nơi cư trú sẽ được hỗ trợ tiền mua quần áo với mức 400.000 đồng/bộ/người.
Đối với hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện, nghị quyết quy định chính sách thù lao cho người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đối tượng quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã với 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập cũng được hỗ trợ tiền ăn, các vật dụng cá nhân.
Thống kê của Công an tỉnh Quảng Bình cho thấy, trên địa bàn hiện có 194 người nghiện ma tuý; 158 người sử dụng trái phép chất ma tuý; 1.168 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong đó, người nghiện tập trung trong độ tuổi lao động từ 18 - 30 tuổi là mối lo lớn hơn cả. Do vậy, việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết được các đại biểu, cử tri và nhân dân trên địa bàn đánh giá rất cao về sự "đúng, trúng" khi vừa trực tiếp hỗ trợ những người lầm lỡ vừa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, kiến tạo tạo môi trường ổn định để phát triển.
Bảo đảm độ "phủ" đến mọi đối tượng thụ hưởng
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2023, với tinh thần, trách nhiệm trước Đảng bộ, cử tri và nhân dân, HĐND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh ủy thành 74 nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh các quyết sách đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững về KT - XH của địa phương, một số nghị quyết đã quan tâm rất cụ thể và chi tiết đến từng nhóm đối tượng; được cử tri, nhân dân ủng hộ, đánh giá cao.
Đặc biệt, các chính sách tạo hành lang pháp lý đều xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương và bối cảnh xã hội. Những nội dung trong kế hoạch xây dựng nghị quyết đáp ứng đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả cũng như nguồn lực để triển khai, thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu cho biết: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cùng với nhiều chủ trương, chính sách đã ban hành trước, việc HĐND tỉnh Khóa XVIII ban hành 3 nghị quyết nêu trên là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực quan tâm chăm lo, đồng hành của tỉnh đối với cán bộ, nhân dân trong sản xuất, đời sống.
“Đây là những nghị quyết xuất phát từ thực tiễn phát triển, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri và nhân dân trên địa bàn. Việc thực hiện hiệu quả các nghị quyết sẽ góp phần tạo động lực, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.