Cử tri còn kiến nghị nhiều lần về một vấn đề
Hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Điện Biên được tổ chức thực hiện thường xuyên, kịp thời trước và sau các kỳ họp thường lệ hàng năm;nhiều địa phương đã tổ chức TXCT hai cấp (cấp tỉnh, cấp huyện); các điểm tiếp xúc được bố trí hợp lý, thuận tiện cho cử tri và luân phiên thay đổi; đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương tham dự hội nghị TXCT để giải thích, trả lời trực tiếp cho cử tri rõ đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri được các cơ quan chức năng và đại biểu tiếp thu, giải trình đầy đủ, có phương hướng giải quyết cụ thể tại hội nghị TXCT.
Qua TXCT, nhiều đại biểu đã kiên trì theo dõi, giám sát đối với những vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm, lựa chọn nội dung chất vấn tại kỳ họp, thể hiện bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động của đại biểu dân cử, góp phần tạo niềm tin của cử tri đối với người đại biểu HĐND. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Điện Biên Đông, ông Ngô Văn Thanh, hầu hết ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, xã đã được UBND huyện, UBND xã xem xét, giải quyết với tỷ lệ giải quyết trên 97%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hình thức tổ chức TXCT chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức TXCT trước và sau kỳ họp thường lệ; chưa tổ chức được TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng cử tri; thành phần tham dự các cuộc TXCT chủ yếu là cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã, thôn, tổ dân phố, một số nơi thành phần tham dự vẫn còn diễn ra tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”; phần lớn ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các vấn đề cụ thể của địa phương, hoặc chủ yếu đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương; số lượng ý kiến cử tri tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp của HĐND còn rất ít, nhất là đối với các nghị quyết; chưa có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp hữu hiệu về các lĩnh vực và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trên thực tế, kỹ năng TXCT của một số đại biểu còn hạn chế, có đại biểu còn thiếu kinh nghiệm, chưa làm chủ được diễn đàn TXCT, nhất là trong xử lý các tình huống phát sinh. Cùng với đó, việc thông tin, trả lời kết quả giải quyết kiến nghị cử tri có lúc, có nơi chưa đến trực tiếp người có kiến nghị, vì vậy còn xảy ra tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần về một vấn đề. Một số nội dung trả lời còn chung chung, chưa trọng tâm, chưa có giải pháp, lộ trình thực hiện; có những vấn đề cử tri có ý kiến nhiều lần nhưng khó khăn về nguồn lực, cơ chế, chính sách nên chưa thể giải quyết dứt điểm.
Trả lời trực tiếp, kịp thời
Đổi mới, nâng cao hiệu quả TXCT của đại biểu HĐND, trước hết, cầntiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch TXCT, thực hiện TXCT 2 - 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Ngoài tổ chức TXCT theo định kỳ, cần tăng cường TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng để tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, những người có uy tín, những lĩnh vực liên quan. Cần mời mở rộng thành phần cử tri tham dự hội nghị, khắc phục tình trạng cử tri chuyên nghiệp, song cũng cần phát huy vai trò của người có hiểu biết, uy tín ở cơ sở.
Tiến trình thực hiện việc TXCT, cần linh hoạt, sắp xếp bố trí thời gian phù hợp với nội dung chương trình, lựa chọn nội dung truyền đạt liên quan trực tiếp đến cử tri và nhân dân tại nơi TXCT. Trước khi TXCT, đại biểu chuẩn bị các nội dung để báo cáo với cử tri; nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề bức xúc của cử tri tại địa phương, vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm tại nơi TXCT và chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc giao cho các cơ quan, phòng, ban, đơn vị có trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quá trình tiếp xúc, đại biểu cần tạo không khí thân mật, gần gũi, thái độ ứng xử bình tĩnh, tự tin và có chính kiến rõ ràng. Đặc biệt, cần theo dõi, giám sát, đôn đốc đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri, đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT của đại biểu dân cử.
UBND các cấp cử đại diện tham dự các cuộc TXCT để nghe, tiếp thu ý kiến và giải trình những kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cấp mình. Thực tiễn cho thấy, khi có đại diện của UBND các cấp và lãnh đạo các phòng, ban liên quan tham dự các buổi TXCT, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được trả lời trực tiếp, kịp thời; đối với những ý kiến, kiến nghị việc giải quyết cần có thời gian dài thì nội dung trả lời phải nêu rõ phương hướng và lộ trình giải quyết; đối với những vấn đề chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh, đồng thời trao đổi, thảo luận để giải tỏa những thắc mắc, tạo sự cảm thông và chia sẻ của cử tri với chính quyền địa phương, tránh được những bức xúc trong nhân dân.